4. Rượu tequila, đặc trưng văn hóa của Mexico
Rượu tequila là 1 trong 8 nhóm rượu chính được công nhận trên toàn thế giới, một đặc sản được chiết xuất từ cây xương rồng Blue Avage có nguồn gốc xuất xứ tại Mexicô. Nó được xem như là một biểu tượng của đất nước Mêxicô, một niềm tự hào văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, loại đặc sản truyền thống này đang đối mặt với nguy cơ biến mất trên thị trường do nhiều nguyên nhân khác nhau tác động.
Nguyên nhân: Trong mấy năm gần đây, nhu cầu tăng cao cũng như các loại bệnh dịch ở cây trồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của loại xương rồng bản địa này.
Vào năm 2006, chính quyền của tổng thống Bush đưa ra 1 quy định mới để tiến hành thay thế xăng bằng loại dầu nhiên liệu sinh học làm từ ngô nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn dầu mỏ nước ngoài. Điều này dẫn tới việc những người nông dân tại Mêxicô bắt đầu từ bỏ các loại cây trồng quen thuộc của họ để chuyển sang trồng ngô xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, giống xương rồng Blue Avage này được ví như loài “gấu trúc Trung Quốc” trong thế giới thực vật. Đây là một giống cây dễ bị nhiễm bệnh và lại chỉ sinh trưởng trong những điều kiền khí hậu đặc biệt nhất định, nơi có nhiệt độ cao và là loại đất núi lửa đỏ. Chính vì thế, tiểu bang Jalisco của Mêxicô và các khu vực lân cận là những vùng duy nhất có thể trồng và sản xuất loại rượu tequila “chính thống” đã được Mêxicô đăng kí độc quyền này.
Trong năm 2007, số lượng cây xương rồng Avage được trồng thấp hơn 35 % so với năm 2006 trong khi những cây còn lại thì đang mắc một loại bệnh truyền nhiễm khiến cho lượng rượu tequila được sản xuất ngày càng giảm.
Giải pháp đề ra : Không có biện pháp gì khả quan hơn là bắt tay vào “trồng cây gây rừng” ngay từ bây giờ và đảm bảo những điều kiện chăm sóc tốt nhất để hạn chế bệnh dịch cũng như những biến đổi thời tiết bất thường làm ảnh hưởng đến chất lượng cây trồng. Còn ngắn hạn hơn thì việc định hướng xu hướng tiêu dùng để người uống quen thuộc hơn với hương vị rượu được ướp lạnh có lẽ cũng phải được tính đến.
5. Photpho
Nhiều người thậm chí còn chẳng biết photpho và tác dụng của nó là gì nhưng thực sự là cuộc sống của mỗi người trên Trái đất phụ thuộc rất lớn vào nó. Photpho được chiết xuất từ đá photpho là chất được dùng làm phân bón trong nông nghiệp và cũng là chất dinh dưỡng tối quan trọng cho sự phát triển của cây trồng. Thiếu hụt photpho là một vấn đề rất lớn đe dọa đến việc sản xuất lương thực trên toàn cầu. Trong khi đó, trữ lượng photpho sắp đạt đến đỉnh điểm và sẽ trở nên khan hiếm trong vòng 30 năm nữa.
Nguyên nhân : Các nhà nghiên cứu từ Úc, châu Âu và Mỹ đều đồng ý rằng chính việc phung phí lượng photpho bừa bãi trong công nghiệp mà điển hình là để sản xuất nhiên liệu sinh học (được Mỹ khởi xướng đầu tiên) đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ bấy lâu nay.
Trung Quốc hiện nay đã tiến hành việc dự trữ toàn bộ lượng photpho có thể tuy nhiên việc này không nhằm để phục vụ cho nhu cầu của thị trường toàn cầu. Từ năm 2007 đến 2008, giá đá photpho đã tăng lên 700 % và nhu cầu sử dụng thì vẫn tiếp tục tăng 2.3 % hàng năm. Trữ lượng dự trữ photpho còn lại hiện nay chủ yếu nằm ở Nga và châu Phi.
Giải pháp đề ra: Giải pháp thay thế triển vọng nhất là chiết xuất photpho từ đáy biển nhưng chi phí cho việc đó thì thật ngoài sức tưởng tượng và việc này cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển vốn đã phải chịu nhiều tác động do những hoạt động sản xuất bấy lâu nay của con người.
Còn hiện nay, người nông dân có thể trông vào một số loại phân bón thay thế như phân tổng hợp, bột xương, nước tiểu tuy hiệu quả thì không thể bằng nhưng cũng là một phương pháp khả thi trong tình trạng thiếu hụt hiện nay.
6. Nước
Không nói thì ai cũng biết nước đóng một vai trò quan trọng thế nào trong cuộc sống hàng ngày cũng như sản xuất và kinh doanh. Ngoài ra, nước là yếu tố thiết yếu để giữ cân bằng sinh thái môi trường tự nhiên. Nếu như đối với các nước châu Phi, nước sạch từ lâu đã là một thứ quý hiếm vô cùng thì hiện nay ngay cả với những nước phát triển giàu có, điều này cũng sắp trở thành hiện thực.
Nguyên nhân : Đi liền cùng với quá trình đô thị hóa, tăng trưởng dân số kéo theo là nhu cầu nước sạch ngày càng gia tăng, cầu vượt quá cung. Một ví dụ điển hình là người dân tại các nước châu Âu hiện nay đang sử dụng lượng nước sinh hoạt lớn gấp 8 lần so với các thế hệ trước đó. Trung bình mỗi ngày, người dân tại các nước Mỹ, châu Âu tiêu thụ hơn 100 l nước và con số này là 20-30 l tại các nước đang phát triển.
Diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu làm tình hình càng trở nên tồi tệ hơn. Hạn hán tại nhiều nơi làm giảm bớt nguồn cung cấp nước trong khi đó lũ lụt gia tăng lại dẫn đến làm ô nhiễm các nguồn nước sạch.
Hiện nay, có 2,6 triệu người trên toàn cầu không được đáp ứng cho những điều kiện vệ sinh cơ bản nhất và gần 1 tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến việc thiếu nước sạch. Nước còn là nguyên nhân gây nên rất nhiều những cuộc xung đột chính trị giữa các quốc gia như Pakistan với Ấn Độ, Ấn Độ với Trung Quốc hay Isareal và các nước Trung Đông.
Liên hiệp quốc đã lên tiếng cảnh báo về một viễn cảnh tương lai đầy ảm đạm khi vào năm 2025, một nửa dân số thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch trầm trọng.
Giải pháp đề ra : Hội nghị nước thế giới được tổ chức 2 năm 1 lần để tất cả các nước cùng ngồi lại họp bàn về những biện pháp và chiến lược đề ra nhằm khắc phục tình trạng này. Mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng các ngành công nghiệp nước dự kiến sẽ được gia tăng một cách đáng kể để nâng cao chất lượng của các hệ thống cung cấp nước đồng thời triển khai các công nghệ mới nhằm tăng cường khả năng khai thác các nguồn tài nguyên nước.
Nhưng trên hết đó là nâng cao nhận thức của mọi người về việc giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên nước cũng chính là để bảo đảm cho cuộc sống và tương lai của chúng ta mai sau.