Các nhà khoa học luôn muốn tìm tòi những kiến thức chính xác, thực tế nhất để phục vụ cho nhân loại và trong quá trình ấy, hàng loạt các nghiên cứu thú vị đã ra đời…
1. Cố gắng "chen vào thế giới" của những người tâm thần
Đây là câu chuyện có thật của 3 bệnh nhân tâm thần phân liệt, tin rằng họ chính là Thượng đế. Vào năm 1959, nhà tâm lý học xã hội Milton Rokeach muốn so sánh sức mạnh sự ảo tưởng của họ nên đã tập hợp 3 bệnh nhân, cho họ sống với nhau ở cùng bệnh viện tâm thần ở Michigan trong 2 năm.
Rokeach hy vọng những người tâm thần này sẽ bỏ được danh tính ảo tưởng sau khi đối mặt với những người khác cũng tuyên bố như vậy. Nhưng mọi chuyện không như ông mong đợi.
Lúc đầu, ba người đàn ông cãi nhau liên tục và kết cục thường là một trận đánh nhau. Cuối cùng, cả 3 người cùng đi đến thống nhất, 2 trong 3 người đã tự nhận mình đã chết và người còn lại chính là sự tái sinh của cả hai (!?).
Trong quá trình nghiên cứu, Rokeach đã phát hiện có 1 trong 3 người hay kể về vợ của mình. Vậy là nhà tâm lý đã viết ra một lá thư với tư cách là cô gái kia để khuyên nhủ người chồng của mình trở về thế giới thực.
Thế nhưng, hài hước thay, ông chỉ nhận được những bức thư phản hồi đầy kích động: “Tôi sẽ ly dị cô”. Cuối cùng, sau 2 năm nghiên cứu, Rokeach đã thừa nhận hoàn toàn bó tay trước 3 ông "Thượng đế" kỳ lạ này.
2. Điểu khiển bò tót
Năm 1963, Tiến sĩ Jose Delgado thuộc ĐH Yale (Mỹ) quyết định thực hiện nghiên cứu nhằm kiểm soát trí não. Trước tiên, các nhà nghiên cứu sẽ cấy dây điện nhỏ và các điện cực cấy vào hộp sọ.
Sau đó, họ gửi các sóng điện đến các bộ phận khác nhau của não từ đó gây ra chuyển động trong cơ thể. Mục đích là để chứng minh, nhờ xung điện, con người có thể điều khiển được một cơ thể sống làm việc theo ý mình.
Ban đầu thí nghiệm diễn ra với các loài mèo, chó, rồi khỉ và sau là một chú bò tót cực hung hãn. Delgado đã cấy các điện cực vào não của bò tót, rồi cho nó chiến đấu với một đấu sĩ. Con bò tót ban đầu rất hung dữ, lao vào tấn công, nhưng sau khi nhận được những sóng điện mạnh, nó lại ngoan ngoãn thuần phục.
Thế nhưng, công nghệ này lại gây nên một sự phẫn nộ cho rất nhiều người. Đa số đều cho rằng, thí nghiệm này quá tàn bạo và sẽ ra sao nếu nó được ứng dụng cho con người. Vì sức ép quá lớn, Delgado phải từ bỏ nghiên cứu của mình.
3. Biệt giam mình để nghiên cứu
Biệt giam là một hình phạt đáng sợ, nhưng đối với vài nhà khoa học, đó là một hướng nghiên cứu hấp dẫn. Trong thập niên 60, các nhà khoa học tò mò nếu không có Mặt trời, chu kỳ giấc ngủ sẽ như thế nào hay con người có thể đối phó với sự biệt lập hoàn toàn trong không gian bị giới hạn ra sao.
Michel Siffre (23 tuổi) - nhà địa chất Pháp đã quyết định tiến hành thử nghiệm trên chính cơ thể mình. Siffre sống tại một sông băng ngầm ở Pháp, hoàn toàn không có đồng hồ hay ánh sáng Mặt trời để đánh dấu thời gian.
Sau 63 ngày, ông đã thu được rất nhiều kết quả rất hấp dẫn, khi sống trong điều kiện cách biệt với môi trường, cơ thể con người sẽ tự động chuyển sang nhịp sống 25h/ngày.
Hiện tượng này giải thích cho việc sở dĩ chúng ta sống theo chu kỳ 24h/ngày là do chiếc đồng hồ bên trong cơ thể bị ép buộc phải tự điều chỉnh để khớp với "vòng quay nhân tạo" 24h mà nhân loại đã quy định.
Ngay sau đó, NASA đã tài trợ cho ông tham gia thí nghiệm sống trong một hang động ở Texas với nhiều tiện nghi. Các nhà khoa học đã cấy vào não ông những thiết bị để đo điện đồ não. Và tai nạn đã tới, những thiết bị này làm cho ông trở nên bực dọc, buồn bã, nhiều khi muốn tự tử.
Kết thúc 79 ngày thí nghiệm ông đã bị trầm cảm nặng, tuy nhiên những thông tin thu được đã góp phần giúp cho khoa học vũ trụ có bước tiến vượt bậc.
Bạn có thể xem thêm: