Những sức mạnh của siêu anh hùng có khả năng trở thành hiện thực

NAC, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 05/08/2015
Chia sẻ

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, sức mạnh của các siêu anh hùng sẽ không chỉ còn là viễn tưởng.

Hẳn chúng ta đã biết đến những nhân vật siêu anh hùng trên màn bạc với những khả năng phi phàm như Người Sói Wolverine tự chữa lành vết thương trong chớp mắt, Captain America với sức mạnh cơ bắp siêu việt… 

Tưởng chừng như những điều này sẽ chỉ dừng lại ở trên phim nhưng trong một ngày không xa bạn có thể sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt những khả năng này trong cuộc sống thực tế.

1. Khả năng tự hồi phục của Wolverine

Nếu bạn đã từng xem qua bất cứ một bộ phim nào thuộc serie phim X-men hẳn các bạn sẽ biết đến anh chàng Wolverine - nhân vật do tài tử Hugh Jackman thủ vai.

 
Trong phim, Wolverine là một anh chàng dị nhân có sức mạnh cơ bắp vô cùng khỏe, sở hữu bộ khung xương và móng vuốt bằng kim loại ngoài hành tinh adamantium và đặc biệt là khả năng tự phục hồi vết thương trong nháy mắt.


Đạn bắn cũng không "xi-nhê" gì với anh!
 
Trong một lần nghiên cứu về bệnh ung thư vào năm 2013, bác sĩ George Daley của Đại học Harvard đã vô tình phát hiện ra một loại gene đặc biệt giúp tăng tốc độ chữa lành và thậm chí phục hồi bộ phận cơ thể bị mất.

Loại gene kỳ diệu này có tên Lin28a, được cấy vào một chú chuột thí nghiệm và Daley đã thực hiện nhiều thí nghiệm trên chú chuột này. Đầu tiên, ông khoét một lỗ thủng trên tai chuột và lỗ thủng này đã mau chóng tự liền chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

 
Sau đó để nâng mức độ tổn hại đến cơ thể Daley đã cắt hết đầu ngón chân của chú chuột. Lần này tuy phải mất vài ngày nhưng những đầu ngón chân chuột cũng mau chóng được phục hồi như cũ.

Nếu như loại gene Lin28a này được phát triển hơn nữa, việc mỗi người có thể sở hữu khả năng tự phục hồi vết thương như anh chàng Wolverine sẽ sớm được trở thành hiện thực.

2. Huyết thanh biến người thường thành siêu chiến binh như Captain America

Trong bộ phim Captain America: The First Avenger có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là cảnh anh chàng Steve Rogers (Chris Evans thủ vai) còi cọc bé nhỏ “lột xác” để trở thành một siêu chiến binh hoàn mỹ.


Để có thể biến hình một cách thần kỳ như vậy, Steve Rogers đã được sử dụng một loại huyết thanh đặc biệt do bác sĩ, giáo sư Abraham Erskine chế tạo ra. Với loại huyết thanh này, Steve Rogers sẽ được cải thiện đáng kể về cơ bắp, khả năng chiến đấu và cả sức bền.

Loại huyết thanh của bác sĩ Erskine đã biến một anh chàng Steve Rogers còi cọc...
 
Lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh nguyên tác của bộ phim này, vào năm 2008 Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã tạo ra một chấn động với nền khoa học thế giới khi tuyên bố sẽ đưa loại huyết thanh này vào đời thực.

 
... thành một siêu chiến binh Steve Rogers "không tì vết"! 

Bắt đầu từ năm 2008 với mức đầu tư hơn 3 tỷ USD (khoảng 65.000 tỷ VND), mục tiêu của DARPA là chế tạo ra một siêu chiến binh được tăng cường khả năng hồi sức, tự chữa lành vết thương, sức mạnh cơ bắp, khả năng nhận thức và tiêu diệt chất béo trong cơ thể.

Bên cạnh dự án của DARPA, giáo sư Peter Wayand của Đại học Southern Methodist (Mỹ) cũng đang bắt tay vào nghiên cứu một loại gene giúp tăng cường các sợi cơ của con người.
 

Với loại gene này con người sẽ có thể đạt vận tốc chạy lên tới 72 km/h và chỉ mất 5 giây để chạy cự ly 100 mét.

3. Bộ giáp thiện chiến của Iron Man

Trong vũ trụ tưởng tượng của Marvel, nhân vật Tony Stark (do Robert Downey Jr thủ vai) được biết đến không chỉ là một trong những tỷ phú giàu nhất hành tinh mà còn là chủ sở hữu của hàng chục bộ áo giáp vô cùng đẹp mắt và thiện chiến.
 
 
Tuy được biết đến với tên gọi Iron Man nhưng thực chất đa phần các bộ giáp của Tony Stark được chế tạo từ hỗn hợp kim loại làm từ vàng và bạch kim. Mỗi bộ giáp có một đặc điểm và công dụng khác nhau nhưng đều có khả năng chống đạn và chiến đấu rất cừ.

 
Bộ sưu tập "hàng khủng" của Tony Stark 

Gần đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã gây sốc khi chính thức tuyên bố rằng, các nhà khoa học của họ đang bắt tay chế tạo “Iron man đời thật” được sử dụng trong quân đội nước này. Bộ giáp này của quân đội Mỹ sẽ mang một cái tên rất kêu “The Tactical Assault Light Operator Suit” (TALOS).

Tuy chưa thể hiện đại ngay như những bộ giáp của Tony Stark, TALOS cũng sở hữu những khả năng vô cùng ấn tượng: trọng lượng gọn nhẹ giúp di chuyển thuận lợi, lớp kim loại chống đạn, hỗ trợ việc nhìn trong bóng đêm với cảm biến hồng ngoại cùng những phương tiện khác. Ngoài ra bộ giáp này còn được thiết kế để được đồng bộ với một số chức năng của não bộ.

 
Sự ra đời của TALOS sẽ cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ 

Dự án này hiện đang vấp phải một rào cản lớn đó là nguồn năng lượng dành cho hoạt động của bộ giáp. Lò phản ứng hồ quang của Tony Stark cũng được xem như một gợi ý và nếu mọi chuyện suôn sẻ thì dự án này dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2018.

Nguồn: GMA Network, Lifehack, The Washington Post
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày