Việc thiếu đi bất kỳ loài vật nào - dù xấu hay đẹp - cũng có thể gây xáo trộn trong tự nhiên, và chắc chắn các nhà khoa học phải là những người hiểu điều này rõ nhất.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây thì câu nói "xấu là một cái tội" thực sự có thể áp dụng trong thế giới động vật. Nguyên nhân là vì những loài động vật có vẻ ngoài được xem là "xấu thậm tệ" thường không được xem trọng đối với cộng đồng khoa học, qua đó ít nhận được sự quan tâm và tiền tài trợ để bảo tồn, nghiên cứu.
Cá Blobfish - loài cá được mệnh danh là xấu nhất hành tinh đang ở trong tình trạng bị đe dọa
Cụ thể hơn, hai nhà sinh vật học thuộc ĐH Murdoch và ĐH Curtin (Úc) - Trish Fleming và Bill Bateman - đã thực hiện nghiên cứu về nhận thức của cộng đồng trên 331 loài vật tại Úc. Các loài vật trong nghiên cứu được phân loại theo ngoại hình: "đẹp, hơi xấu và xấu kinh hoàng".
Khỉ Nhật Bản với khuôn mặt xấu thậm tệ đang bị đe dọa nghiêm trọng do bị xâm phạm môi trường sống
Kết quả cho thấy các nghiên cứu trên nhóm "đẹp" thường hướng đến giải phẫu và sinh lý học. Nhóm "hơi xấu" thường được nghiên cứu về vai trò trong hệ sinh thái và cách kiểm soát bùng nổ dân số loài.
Tuy nhiên, nhóm "xấu thậm tệ" thường được nghiên cứu rất qua loa hoặc bị bỏ qua, dù cho nhóm này chiếm tới 45% các loài vật được hỏi.
Loài ếch hồ Titicaca
Theo tiến sĩ Patricia Fleming - đồng tác giả nghiên cứu: "Chúng ta biết rất ít về mặt sinh học của những loài vật này. Chúng ta chỉ biết đến sự tồn tại của chúng qua những nghiên cứu phân loại hoặc di truyền. Nhưng khi nhắc đến các vấn đề thiết yếu như thức ăn chúng cần, môi trường sống, hoặc cách để bảo tồn chúng thì gần như không có dữ liệu gì".
Cá bò Dugong cũng là một trong những loài vật xấu có tiếng đang gặp nguy cấp
Fleming cho biết: "Những loài vật này có vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái, do đó cần nhận được sự quan tâm lớn hơn. Sẽ thực sự là thảm họa dành cho loài người nếu như để một loài vật tuyệt chủng khi chẳng biết gì về chúng cả".
Khỉ vòi với cái mũi lớn nhất trong họ linh trưởng. Con người đã đẩy chúng đến bờ vực của sự tuyệt chủng bằng các hành động phá hủy môi trường sống, cũng như săn bắt trái phép.
Nguồn: Daily Mail