Trải qua hàng nghìn năm, quá trình
tiến hóa đã chọn ra những gì phù hợp nhất trên từng loài để tương thích và tồn tại với môi trường sống ngày nay. Thế nhưng tại sao cơ thể người không thể loại bỏ hoàn toàn những “trạng thái lỗi” như các triệu chứng rối loạn não bộ ra khỏi cơ thể?
Theo một số nghiên cứu mới đây, các hội chứng như rối loạn lưỡng cực, hay rối loạn tăng động giảm chú ý… có thể được tự nhiên chọn giữ lại nhằm phục vụ cho một vài mục đích nhất định.
1. Rối loạn lưỡng cực từng giúp loài người vượt qua mùa đông
Theo thống kê tại Mỹ, khoảng 2,6% người trưởng thành mắc chứng rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder). Đây là một dạng bệnh lý, trong đó người bệnh có sự tái diễn luân phiên 2 trạng thái hưng cảm và trầm cảm.
Ở giai đoạn hưng phấn - người bệnh cảm thấy vui vẻ, hoạt bát quá mức, thậm chí là hoang tưởng. Còn ở trạng thái trầm cảm - khí sắc người bệnh suy giảm, xuất hiện nhiều suy nghĩ ức chế, dễ dẫn đến tự tử.
Nếu coi đây là một “lỗi” trong não bộ, thì câu hỏi đặt ra là: Tại sao quá trình tiến hóa không loại bỏ nó? Các khoa học gia cho rằng, có thể đây từng là một hình thức ngủ đông của não bộ.
Theo lý thuyết, bằng cách nào đó trong quá khứ, não người đã luân chuyển giữa hai trạng thái hưng phấn - trầm cảm sao cho phù hợp với ánh sáng, nhiệt độ của mùa đông và mùa hè. Điều này cũng xảy ra ở các loài động vật, vào hè, trạng thái hưng cảm giúp chúng săn mồi và sinh sản hiệu quả, sau đó rơi vào trạng thái “ngủ đông” khi mùa đông đến.
Cũng theo lý thuyết này, những người mắc chứng rối loạn lưỡng cực sẽ là “bậc thầy” trong việc lựa chọn thời điểm để… sex. Theo các khoa học gia, chứng bệnh này phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Do đó có khả năng não bộ người cổ đại đã luân chuyển hai trạng thái nhằm đạt hiệu quả sinh nở tối đa: hưng cảm vào mùa hè – thời điểm thuận tiện nhất để mang thai, rồi chuyển sang trầm cảm vào mùa đông nhằm đảm bảo sản phụ ít vận động và tập trung chăm sóc đứa trẻ sắp ra đời.
Bên cạnh đó, chứng rối loạn lưỡng cực cũng từng là công cụ quyến rũ khá hiệu quả. Vậy nên bằng cách nào đó những người mắc bệnh đã sao chép lại gene này và duy trì đến các thế hệ tiếp theo.
2. Rối loạn tăng động giảm chú ý tạo ra nhiều phát hiện mới
Rối loạn tăng động giảm chú ý (Attention-deficit hyperactivity disorder- ADHD) là chứng rối loạn phát triển thường gặp ở trẻ em hiện đại. Trẻ em mắc ADHD sẽ vô cùng hiếu động, không thể ngồi im, đồng thời khả năng chú ý giảm đi.
Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, các khoa học gia phát hiện ra chứng bệnh này được di truyền. Điều này có nghĩa rằng tổ tiên của loài người đã bằng cách nào đó chung sống và không tìm cách loại bỏ căn bệnh này.
Tại sao lại vậy? Người ta thường cho rằng rối loạn AHDH là một chứng bệnh của thời hiện đại, khi có quá nhiều phương tiện giải trí gây tác động đến não bộ. Trong một xã hội hiện đại, việc một người không thể tập trung thực hiện công việc được giao quả thực tai hại.
Thế nhưng một số khoa học gia đặt ra giả thuyết, việc không thể ngồi im một chỗ không hoàn toàn có hại, mà có thể từng là một “công cụ” cần thiết để tồn tại trong quá khứ.
Loài người hàng ngàn năm trước cần nhiều kỹ năng để tồn tại, chứ không chỉ chuyên biệt một kỹ năng nào đó. Vậy nên, một bộ não cho phép “nhảy việc” có lẽ rất cần thiết vào thời kỳ đó.
Ngoài ra, lúc này con người vẫn đang sinh tồn bằng săn bắn hái lượm nên khả năng “không thể ngồi im” có thể kích thích khả năng khám phá, tìm tòi, phát hiện ra những nơi “đắc địa” để đặt bẫy. Đáng buồn thay, cố gắng của tạo hóa khi di truyền gene “tăng động” để giúp con người sinh tồn đã vô tình khiến nhiều đứa trẻ gặp rắc rối trong xã hội hiện đại.
3. Rối loạn khả năng đọc ẩn chứa điều phi thường của não bộ
Rối loạn khả năng đọc, còn gọi là chứng khó đọc (Dyslexia) là một rối loạn tâm lý khá đặc biệt. Một người dù có trí tuệ bình thường, nhưng lại thiếu đi khả năng đọc và viết do một khúc mắc trong hệ thần kinh vỏ não.
May mắn thay, hầu hết trường hợp mắc bệnh là trẻ em và phần lớn đều chữa khỏi. Tuy nhiên, các khoa học gia lại đặt ra giả thuyết khác, rằng chứng rối loạn này ẩn chứa những điều phi thường của não bộ do tạo hóa ban tặng.
Nhiều người hẳn sẽ bất ngờ khi nhìn vào kết quả của một số khảo sát: 30% doanh nhân nhận mình mắc chứng khó đọc, cùng rất nhiều vĩ nhân như Albert Einstein (cha đẻ của thuyết tương đối) và Steven Spielberg (đạo diễn nổi tiếng người Mỹ) - cũng mắc phải chứng bệnh này. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy những người mắc chứng khó đọc thường rất sáng tạo, thông minh, và đặc biệt giỏi khi giải quyết các vấn đề đa hướng.
Theo giáo sư, nhà nghiên cứu tâm lý học thần kinh Duncan Milne cho biết chứng khó đọc là một dấu hiệu của một bộ não đặc biệt sáng tạo. Khoảng 200.000 năm trước, vào thời kỳ săn bắn hái lượm không hề tồn tại khái niệm đọc và viết.
Với một cuộc sống sinh tồn khắc nghiệt, những bộ não có thể đưa ra ý tưởng mới, khả năng giao tiếp hiệu quả hay phương pháp giải quyết vấn đề nhanh chóng thực sự rất cần thiết. Điều này lý giải vì sao loài người di truyền khả năng này nhằm giúp thế hệ sau sinh tồn.
Dần dần, những bộ não đặc biệt này sẽ gặp vấn đề với các hành động “không bình thường” mà loài người đã phát minh ra - đó là đọc và viết. Nhưng nếu theo như giả thuyết nói trên, chứng khó đọc không phải là một dạng rối loạn mà là do tạo hóa đã ban tặng cho một số người bộ não “nổi trội” mà thôi.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Cracked, Livescience, Wikipedia...