Bạn đã bao giờ cảm thấy các khớp chân của mình vô cùng nhức mỏi trước một cơn bão đến hay gặp phải một cơn đau nửa đầu bất ngờ khi không khí lạnh tràn về?
Đó chính là lúc bạn vô tình lãng quên rằng, những bộ phận trên
cơ thể người của chúng ta có khả năng "thần kỳ" - tiên đoán trước việc tương lai...
1. Khớp xương đau nhức có thể “dự báo thời tiết”
Một số người có thể đoán biết trước được những sự thay đổi bất thường của thời tiết cho dù họ không xem dự báo thời tiết. “Đài khí tượng” của họ chính là những cơn đau, nhức các khớp xương. Các cơn đau của họ thường nhức nhối hơn vào ngày mưa hay thời tiết trở lạnh.
Trải qua quá trình nghiên cứu mối liên hệ giữa thay đổi thời tiết và mức độ đau do viêm khớp, phần lớn các chuyên gia tin rằng, các cơn đau khớp vào ngày mưa bão xuất phát từ phần áp lực tăng thêm mà cơ thể phải chịu đựng từ sự thay đổi áp suất khí quyển.
Các khớp bị viêm thường thiếu phần sụn để đệm, thay vào đó là lớp dịch nhầy bao quanh, bởi vậy, chúng cảm nhận được sự thay đổi áp suất khí quyển mạnh mẽ hơn những khớp khỏe, các khớp bị viêm thường gây cảm giác đau.
Bên cạnh đó, hoạt động của các mạch máu vào thời tiết lạnh cũng góp phần làm tăng cảm giác đau. Các mạch máu giãn nở khiến các khối cơ, khớp căng ra và cứng lại, khiến cơn đau nhức nhối hơn.
Nhiệt độ thấp cũng khiến chất dịch dùng để bôi trơn ở khớp kém nhớt, ngăn chúng hoạt động một cách thoải mái, trơn tru. Ngoài ra, các dây thần kinh trong vùng khớp giữ chức năng hỗ trợ chuyển động của các khớp. Các dây thần kinh ở vùng khớp bị viêm thường nhạy cảm hơn. Khi áp suất bên ngoài thay đổi, chúng sẽ rung mạnh hơn gây ra cơn đau cho người bệnh.
2. Con ngươi của mắt "dự báo" tình hình yêu đương
Bạn có thể đánh lừa người khác hay chính bản thân mình về tình cảm dành cho ai đó, nhưng đôi mắt không biết “ nói dối”.
Nghiên cứu khoa học đã cho thấy rằng, khi bạn bị thu hút bởi một ai đó, con ngươi mắt bạn có xu hướng giãn ra. Lý do là bởi khi thấy "đối tượng", nhịp tim của bạn đập nhanh hơn, cảm xúc cũng dâng lên cao độ dẫn đến những phản ứng không thể kiểm soát.
Điều này sẽ kích thích hệ thần kinh giao cảm, tạo ra sự thay đổi kích thước con ngươi ở mắt. Thậm chí, không chỉ bị thu hút bởi ai đó, mà ngay cả khi bắt gặp sự việc nào quá bất ngờ, con ngươi bạn cũng thay đổi kích thước.
3. Nhịp tim “đoán biết tương lai”
Trái tim của bạn không thể biết khi nào thì bạn sẽ kết hôn hay khi nào được thăng chức. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ ĐH Northwestern (Mỹ), ĐH California và ĐH Padova (Ý) đã chỉ ra rằng, trước khi thấy hình ảnh hay sự việc kích thích, nhịp tim sẽ đập nhanh hơn khoảng 10 giây.
Điều này cho thấy, trái tim có thể cảm nhận được một cái gì đó hồi hộp hoặc lo ngại sắp xảy ra. Vì vậy, hãy lắng nghe trái tim của bạn.
Không chỉ vậy, các nhà nghiên cứu còn phát hiện thấy, con người có sự phấn khích về tâm lý vài giây trước khi một sự kiện nào đó sắp xảy ra với họ. Phát hiện này cho thấy, các cơ quan tiềm thức cảm nhận được tương lai khi có một điều gì đó quan trọng sắp xảy ra, ngay cả khi người ta không biết đến điều này trước đó.
Các nhà khoa học không cho rằng, đây là sự tác động của một sức mạnh siêu nhiên hay huyền bí nào đó mà thực chất, đó là một hiệu ứng vật lý tuân theo quy luật của tự nhiên.
4. Chứng đau nửa đầu chỉ ra những thay đổi nhiệt độ
Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng thường gây ra chứng đau nửa đầu đối với những người nhạy cảm về nhiệt độ.
Jerry W. Swanson, một nhà thần kinh học tại trung tâm Mayo Clinic ở Rochester, cho biết: “Thời tiết thay đổi có thể gây ra sự mất cân bằng hóa chất trong não, bao gồm serotonin - hormone hạnh phúc - dẫn đến chứng đau nửa đầu".
Serotonin là một chất được sản sinh ra trong não, giúp điều tiết chỉ số cảm xúc cho mỗi người. Thân nhiệt, giấc ngủ, sự giận dữ, thèm ăn lẫn những ham muốn khác đều bị lệ thuộc vào chất dẫn truyền thần kinh này.
Không phải bất cứ người nào cũng có thể thích ứng đối với sự thay đổi nhiệt độ. Trong một cuộc khảo sát, kết quả cho thấy, có đến 53% những người mắc chứng đau nửa đầu được hỏi họ phát bệnh khi nào, câu trả lời là khi nhiệt độ thay đổi.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Woman's Day, Healthy, NPR, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: