Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, bạn có nhớ mình đã bỏ đi bao nhiêu thức ăn không? Có thể lượng thức ăn bỏ phí trong một bữa không đáng kể nhưng khi nhiều người trên thế giới cũng như bạn, thì vô tình một lượng lớn thực phẩm đã bị bỏ đi. Trong khi đó, ở nơi nào đó trên thế giới, vẫn còn những em nhỏ đang cần lắm một bát cơm.
Từ tình trạng lãng phí thức ăn…
Theo thống kê năm 2012, trung bình, con người đã lãng phí tới khoảng 40% lượng lương thực và thực phẩm trong quá trình vận chuyển từ trang trại tới bàn ăn. Nếu tính tất cả lại thì tổng lượng thực phẩm lãng phí lên tới 1,3 triệu tấn mỗi năm.
Đáng ngạc nhiên hơn là tỉ lệ lãng phí thức ăn ở những nước nghèo với nước giàu là tương đương nhau. Nguyên nhân là vì ở các nước kém phát triển, điều kiện thu hoạch, bảo quản và vận chuyển không tốt. Do đó, ở rất nhiều công đoạn, thức ăn bị lãng phí vì hỏng và không thể sử dụng được.
Theo thống kê của Bộ Môi trường Hồng Kông, trong năm 2009, người Hồng Kông thải trung bình hơn 8.900 tấn rác thải rắn mỗi ngày, trong đó khoảng 3.200 tấn (chiếm 37%) là thức ăn thừa. Điều đó cũng có nghĩa, một người ở đây vứt đi khoảng 0,5kg thức ăn mỗi ngày.
Một điều tra của tổ chức môi trường "Người bạn của Trái đất" phát hiện ra rằng, mỗi bữa tiệc cưới thải ra khoảng 105kg thức ăn thừa, trong đó có những món ăn không hề được thực khách đụng đũa vào.
Michelle Au - một quan chức của tổ chức nói trên cho biết, số thức ăn đó có thể đủ cho khoảng 200 trẻ em đang bị đói.
Ước tính khoảng 1/3 lượng thực phẩm được các hộ gia đình mua về mỗi năm được đổ vào thùng rác và việc lãng phí thức ăn càng tệ hơn vào các mùa lễ hội như năm mới, Giáng sinh…
Điển hình như người dân Úc, mỗi năm, nước này mất khoảng 5,2 tỷ đô Úc (khoảng 74.360 tỷ VNĐ) cho thức ăn thừa, nhiều hơn cả ngân sách chi tiêu cho quốc phòng trong nước năm 2012.
Ở Mỹ, Canada, Australia và New Zealand, trung bình người dân lãng phí khoảng 50% lượng hải sản, 38% các loại ngũ cốc, 22% thịt và 20% sữa mỗi năm.
Riêng Mỹ, thực phẩm lãng phí chiếm tỉ lệ cao nhất trong rác thải ở thành phố. Việc tiêu hủy thức ăn thừa chiếm khoảng ¼ lượng khí thải metan.
Ví dụ: Ở chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh, khoai tây chiên và bánh kẹp chưa kịp bán hết phải bỏ đi lần lượt trong vòng 7 phút và 20 phút. Khoảng 10% thức ăn nhanh phải bỏ đi sau khi chế biến cũng đóng góp thêm vào tình trạng lãng phí thức ăn.
… tới nạn đói đe dọa loài người…
Trong lúc đó, phần còn lại của thế giới đang bị nạn đói bao vây và đẩy tới bờ vực sống - chết. Theo thống kê, năm 2012, trên hành tinh có khoảng 870 triệu người đang chịu cảnh sống trong đói nghèo, không có đủ thức ăn.
Nghiên cứu của Tổ chức Lương thực Thế giới (FAO) cho thấy, các nước ở thế giới thứ 3 và đặc biệt là châu Phi chính là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn đói. Đây cũng là nhà của khoảng 30% người đói kinh niên trên Trái đất.
Theo thông tin từ Liên Hợp Quốc, năm 2011 có khoảng 12 triệu người đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng lương thực tại vùng Sừng châu Phi (bao gồm các nước như Somalia, Kenya, Ethiopia, Djibouti…) với tỷ lệ người suy dinh dưỡng và trẻ em tử vong cao đáng kinh ngạc.
Nguyên nhân là do nạn hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm trở lại đây ở khu vực châu Phi diễn ra trước đó. Somalia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mỗi ngày có khoảng 4.000 người buộc phải di dời khỏi đất nước này và trở thành người tị nạn ở Kenya và Ethiopia.
Từ tháng 6/2010 số người trên thế giới sống dưới mức nghèo khổ (dưới 26.000 VNĐ/ngày) đã tăng lên đến 44 triệu người.
Giá cả lương thực, thực phẩm tăng cao đã kích động nhiều cuộc biểu tình ở Bắc Phi và Trung Đông. Đây là kết quả tất yếu của việc thiếu lương thực thực phẩm nghiêm trọng gây nên.
Nguy hiểm hơn, đối với mỗi cá nhân, không đủ thức ăn là nguyên nhân khiến cơ thể suy kiệt, mất dần sức đề kháng chống chọi với bệnh tật.
Mỗi năm, khoảng 8 triệu người ra đi vì các căn bệnh như AIDS, lao, phong… trong đó suy dinh dưỡng và cái đói góp phần không nhỏ.
Nghị viện châu Âu đã lấy năm 2014 là "Năm châu Âu chống lãng phí thực phẩm’" và quyết tâm giảm 50% lượng thức ăn thừa vào năm 2020.
Quãng đường vận chuyển thức ăn từ trang trại tới bàn ăn qua rất nhiều công đoạn kém hiệu quả trong khi chúng ta có thể cải thiện các khâu này mà không tốn mấy công sức và con người cần phải làm điều đó.
Lãng phí thức ăn chính là tiếp tay giết chết đồng loại. Chúng ta hãy sống sao cho người khác cùng sống, cần biết tiết kiệm và trân trọng những gì mình đang có.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo của các nguồn: CreativeGreed, RadioAustralia, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: