Nhai son như thế này có vấn đề gì không?

J, Theo Trí Thức Trẻ 17:20 30/12/2015

Hành động nhai son - thứ vốn không dùng để ăn - của cô gái có để lại tác hại gì đối với cơ thể?

Xuất phát từ trào lưu buôn bán mỹ phẩm handmade (loại mỹ phẩm được quảng cáo là làm từ các nguyên liệu thiên nhiên như dầu dừa, sáp... an toàn cho sức khỏe), một chủ shop đã quyết định chứng minh sản phẩm của mình là "đạt chuẩn" bằng cách... ăn luôn cây son mình làm ra.

Bất chấp hết mà ăn son đi thôi...

Tạm bỏ qua các vấn đề bên lề như... chiêu trò PR, nhiều người thắc mắc liệu nhai một thỏi son như vậy có vấn đề gì xảy ra với cơ thể không mà cô gái ấy liều dữ vậy? Hãy cùng thử tìm hiểu xem sao.

Thành phần của một cây son bình thường

Trước tiên, để đánh giá việc "gặm" một thỏi son như vậy có sao không thì ta cần biết thành phần của nó như thế nào.

Các hãng sản xuất son trên thế giới, dù có cho thứ gì vào đi nữa thì một thỏi son của họ cũng phải tạo thành từ các thành phần cơ bản như sau:

Đầu tiên là sáp. Đây là thành phần chủ yếu của son, có vai trò tạo hình và độ cứng cho thỏi son. Trong đó, loại sáp phổ biến nhất là sáp ong và sáp candelilla (sáp làm từ một loại cây cọ thuộc châu Phi), hoặc sáp carnauba (làm từ cọ Brazil) đối với một số loại son đắt tiền.

Tiếp theo là dầu, có vai trò bôi trơn, giúp cho việc đánh son trở nên dễ dàng. Dù là son handmade hay son công nghiệp thì hầu hết đều sử dụng dầu thực vật. Một số loại son còn dùng cả mỡ động vật như mỡ heo hoặc bò.

Cuối cùng là chất tạo màu và chất chống oxy hóa (thường là cồn) để bảo quản son lâu hơn. Và đây mới là thành phần phức tạp nhất. Dù chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong son (khoảng 5%) nhưng một cây son thông thường của các hãng có thể chứa tới hàng trăm thành phần hóa học khác nhau để tạo màu, tạo độ bóng và độ bám.

Ví dụ như để tạo màu đỏ, người ta có thể sử dụng... một loài bọ sống trên cây xương rồng, hoặc các loại màu dược phẩm để nhuộm son. Tuy nhiên, màu đỏ cũng có thể tạo thành từ các kim loại nặng như chì, nhôm, titan... nhằm giúp son có độ bám "khủng" hơn.

Vậy ăn son có làm sao không?

Giờ chúng ta hãy xem son của cô gái trên làm từ thành phần gì.

 Thành phần son của chủ shop đang gây bão

Có thể thấy rõ là các thành phần son handmade của cô gái hoàn toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên. Và nếu điều này là đúng sự thật thì có nhai thêm một thỏi nữa cũng... không sao cả.

Thật vậy. Hầu hết các chất có trong son đều có thể tiêu hóa dễ dàng nhờ axit trong dạ dày, duy chỉ có  3 loại sáp là thực phẩm không thể ăn. 

Nếu tiêu thụ một khối lượng lớn sáp, chúng ta sẽ có nguy cơ tắc ruột, nhưng nếu chỉ là một, hai thỏi son thì rõ ràng chẳng có vấn đề gì cả.

 Hành động ăn son của cô gái... chẳng chứng minh được điều gì cả

Và thậm chí ngay cả khi có chì trong son của cô thì lượng chì trong đó cũng là quá nhỏ để gây phản ứng tức thì.

Hãy thử tính sơ qua như sau: theo số liệu của một có quan điều tra, một thỏi son có tỉ lệ chì khoảng 0,36 phần triệu khối lượng cả thỏi sẽ được coi là độc hại. 

Giả dụ son của cô chủ shop có tỉ lệ chì như trên. Một thỏi son trung bình nặng khoảng 3gram (chỉ tính phần lõi), vậy lượng chì bên trong sẽ chỉ là 1,08 microgram. Theo các chuyên gia, lượng chì trong máu đủ để gây độc là 1 microgram/100ml máu, vậy nếu quy đổi ra thì lượng chì trong son không thể đủ để gây hậu quả ngay lập tức.

Vì thế có thể nói, hành động ăn son của cô chủ shop... không để chứng minh điều gì cả.

Như vậy có nghĩa là đánh son có chì cũng không sao?

Ồ không, đừng có đánh đồng mọi chuyện như vậy! Son là một phụ kiện không thể thiếu của phụ nữ, là thứ được sử dụng hàng ngày. Vì thế sẽ không có thứ gì gọi là "tỉ lệ chuẩn" về lượng chì trong son khi tác hại nó đem lại là trong dài hạn.

 Ảnh minh họa.

Dù có thể không gây chết người, nhưng sử dụng son có nhiều chì trong thời gian dài đã được chứng minh là gây tổn hại cho não, tim, thận, cùng một số bệnh tiêu hóa khác.

Theo một số khảo sát, trong 10 năm một người phụ nữ đánh son ngày từ 2 - 3 lần sẽ tiêu thụ khoảng 220 gram son, tức là đã tiêu thụ đủ một lượng chì không hề có lợi cho sức khỏe.

Ngoài ra. nếu son có chứa một số kim loại nặng hơn như nhôm, mangan, người sử dụng về lâu dài có mắc một số bệnh như Alzheimer - chứng mất trí nhớ phổ biến ở phụ nữ. Chưa kể, một số loại son "hàng chợ", kém chất lượng còn chứa một số chất không rõ nguồn gốc, có thể gây dị ứng ngay lập tức.

Chính vì thế, hãy lựa chọn cho mình một loại mỹ phẩm có thể tin tưởng được, tránh để lại hậu quả đáng tiếc.

Nguồn: Future Derm, NY Times, The Huffington Post, National