Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới

J, Theo Trí Thức Trẻ 00:13 08/03/2016
Chia sẻ

Đó là câu chuyện về Joan Clarke - người phụ nữ đã góp công rất lớn trong Chiến tranh thế giới thứ 2, nhưng gần như chìm vào quên lãng trong lịch sử.

Trong lịch sử của nhân loại đã từng ghi nhận không ít các vĩ nhân đến từ nửa kia của thế giới. Đó là những Marie Curie, Maria Mitchell, Jane Goodall... - những người đã có đóng góp cực kỳ quan trọng cho sự phát triển của toàn nhân loại.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 1.

Joan Clarke (trái) và tạo hình của cô bởi Keira Knightley trong "The Imitation Game"

Nhưng bên cạnh đó, cũng có những nữ học giả dù đóng góp của họ là không thể chối cãi nhưng lại không được ghi nhận. 

Đó chính là trường hợp của Joan Clarke - người phụ nữ đã góp công cứu sống hàng triệu người bằng cách kết thúc sớm Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng để rồi bị lịch sử lãng quên.

Tài năng xuất chúng, nhưng là nạn nhân của nạn phân biệt giới tính

Joan Elisabeth Lowther Murray (Joan Clarke) sinh vào năm 1917 tại vùng West Norwood, thành phố London (Anh). 

Ngay từ nhỏ, Clarke đã thể hiện mình là một tài năng xuất chúng, với cái đầu nhanh nhạy một cách thiên bẩm và sự nổi trội trong lĩnh vực tính toán.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 2.

Joan Clarke do Keira Knightley thủ vai trong "The Imitation Game"

Chính vì thế, sau thời gian theo học tại Trung học Dulwich dành cho nữ sinh, Clarke đã giành được học bổng vào thẳng Newnham College - trực thuộc ĐH Cambridge danh tiếng thế giới. Tại đây, cô đã xuất sắc tốt nghiệp chuyên ngành toán học với hai bằng loại xuất sắc.

Tuy nhiên, cần biết rằng vào nửa đầu thế kỷ XX, xã hội Anh Quốc vẫn ngập tràn những định kiến và tư tưởng phân biệt đối xử với nữ giới, và rất tiếc Clarke cũng không phải ngoại lệ. Bà đã không được phép tiếp tục học cao hơn, do trường Cambridge vào thời điểm đó chỉ cho phép nam giới được theo học.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 3.

Đến năm 1939, Clarke được nhận vào làm việc tại Công viên Bletchley - một trung tâm giải mật mã trực thuộc chính phủ Anh. Cũng giống như mọi phụ nữ khác vào thời điểm này, Clarke chỉ được làm công tác nhận tin điện báo với một mức lương rẻ mạt.

Nhưng rồi chỉ sau vài ngày, sự xuất sắc về nghiệp vụ giải mật mã đã đưa Clarke trở thành một thành viên cốt cán trong Hut 8 - nhóm chịu trách nhiệm giải mã các tin điện báo của hải quân Đức, và được làm việc bên cạnh Alan Turing - nhà toán học, logic học và mật mã học xuất chúng thời bấy giờ.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 4.

Alan Turing (1912 – 1954)

Người phụ nữ góp công cứu sống hàng triệu sinh mệnh trên thế giới

Vào giai đoạn này, quân đội Phát xít Đức do Adolf Hitler chỉ huy là một thế lực quá mạnh. Trước những chiến thắng liên tiếp của Hitler, giải pháp dành cho quân Đồng Minh là thành lập nên các nhóm chuyên chặn và giải mã các tin mật báo của hải quân Đức, vì việc nắm giữ thông tin trong chiến tranh là một lợi thế vô cùng lớn. Hut 8 của Anh do Alan Turing đứng đầu cũng là một trong số đó.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 5.

Tuy nhiên điều này không hề đơn giản, do quân đội Đức sử dụng Enigma - một loại máy có hệ thống đĩa quay dùng để tạo mật mã và giải mã các thông tin cơ mật để truyền tin. 

Enigma gần như là một cỗ máy mã hóa tối thượng, khi có thể tạo ra tới 100.391.791.500 cách mã hóa khác nhau.

Để phá giải Enigma, Turing đã sáng chế ra một loại máy cơ - điện tử mang tên bombe, với khả năng đọc được 156.000 tỉ ký tự phức tạp. 

Nhờ có chiếc máy này, người Anh đã giải mã thành công khoảng 3.000 bức điện mật của quân đội Đức chỉ trong vài phút sau khi các dữ liệu chặn thu được nạp vào.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 6.

Bản sao của máy bombe do Alan Turin chế tạo

Những mật mã do Clarke và đồng nghiệp giải được là những loại khó bậc nhất, tiết lộ vị trí tàu ngầm do hải quân Đức sử dụng trên Đại Tây Dương, cũng như kế hoạch tấn công tàu cứu hộ của quân Đồng Minh.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 7.

Theo như Michael Smith, tác giả của nhiều cuốn sách về dự án Enigma của Anh thì các mật mã do Clarke giải được thường rất kịp thời, giúp quân Đồng Minh đánh chìm tàu ngầm của Đức, hoặc thay đổi lộ trình của tàu cứu trợ, cứu sống tới hàng ngàn người trong chiến tranh.

Người phụ nữ bị lịch sử quên lãng

Theo các chuyên gia, cỗ máy Turin chế tạo đã góp phần kết liễu số phận quân đội Phát xít Đức sớm hơn 2 năm so với dự kiến. Lịch sử cho biết trong vòng 6 năm từ 1939 - 1945, Chiến tranh thế giới thứ II đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 triệu người. Điều này đủ để thấy phát minh của Turin quan trọng đến mức nào.

Tuy nhiên trong khi Alan Turin sau này được lịch sử ca ngợi như một người hùng chiến tranh, thì Joan Clarke - người bạn đồng hành tri kỷ của ông, người có đóng góp không nhỏ trong việc giải mã Enigma thì không được như vậy. Là một thành viên lâu năm nhất của Hut 8, những gì lịch sử nhắc đến Clarke chỉ là "một nhân viên mang tên Joan Clarke từng hứa hôn với Alan Turin, nhưng cả hai thống nhất hủy hôn sau đó".

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 8.

Joan Clarke làm việc bên cỗ máy bombe của Alan Turin

Hơn nữa, những bí mật xung quanh Công viên Bletchley hiện vẫn chưa được công bố, do đó những đóng góp của Clarke vẫn đang nằm trong vòng bí ẩn. Thậm chí cái tên Clarke cũng hiếm khi được lịch sử nhắc đến trong dự án Enigma.

Tuy nhiên, trong mắt các đồng nghiệp, Clarke có một vị thế không thua gì nam giới, ngay cả trong thời điểm xã hội coi "trí tuệ của phụ nữ là vô giá trị" - Michael Smith viết trong một cuốn sách của ông.

Người phụ nữ bị lịch sử lãng quên dù cứu mạng hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 9.

Những phụ nữ có đóng góp thầm lặng trong Chiến tranh thế giới thứ 2

Và không chỉ có Clarke! 75% - 90% nhân viên của Bletchley là phụ nữ. Vẫn còn đó những Margaret Rock, Mavis Lever, Ruth Briggs... với đóng góp không hề nhỏ, nhưng gần như không được ai nhớ đến.

Theo như Kerry Howard - nhà khoa học nghiên cứu về nữ giải mã viên trong chiến tranh: "Họ là những người có trình độ cao nhất tại Bletchley, và họ xứng đáng có một chỗ đứng trong lịch sử".

Năm 1977, Liên Hiệp Quốc quyết định chọn 8/3 hàng năm là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế, gọi tắt là Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, biểu dương ý chí đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình, tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.

Nguồn: BBC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày