Tuổi thơ bình dị
Gregor Johann Mendel (1822 - 1884), có biệt danh vui là người đàn ông của những hạt đậu Hà Lan. Ông được sinh ra trong một gia đình nói tiếng Đức tại Áo vào ngày 20/07/1822.
Logo của Google trong ngày hôm nay (20/07/2011), chào mừng 189 năm ngày sinh Mendel
Xuất thân trong một gia đình nông dân, công việc thường ngày lúc nhỏ của Mendel như một thợ làm vườn, ông thích nghiên cứu về cách nuôi ong. Khi đó, Mendel có học lực khá tốt, song ngoài việc học ông cũng phải làm việc kiếm sống, do số tiền cha mẹ cung cấp cho Mendel không được bao nhiêu.
Năm 1843, nhờ sự tiến cử của giáo viên dạy vật lý, ông được nhận vào học tại một tu viện ở Brno. Đặc biệt, được sự giúp đỡ của Cha cố Napp, năm 1851 ông được gửi tới Đại học tổng hợp Vienna để nghiên cứu về toán học và các khoa học khác.
Vị linh mục trở thành nhà khoa học kiệt xuất
Năm 1853, Gregor Mendel hoàn tất việc học tại Vienna, và quay về tu viện, làm một vị linh mục. Khi Mendel 31 tuổi, ông đến giảng dạy tại Trường Cao đẳng thực hành Thành phố Brunn.
Niềm đam mê khoa học
Gregor Johann Mendel đã tiến hành thí nghiệm về tính di truyền ở 7 tính trạng trên cây đậu Hà Lan từ năm 1856 đến 1863. Các nghiên cứu của ông sau đó được công bố trong bài báo "Versuche über Pflanzenhybriden" (Các thí nghiệm lai ở thực vật) tại Hội Lịch sử Tự nhiên của Brunn năm 1865.
Cách nghiên cứu của ông là cho nhân giống theo từng tính trạng, sử dụng toán học để đánh giá số lượng và từ đó rút ra quy luật di truyền. Dù các quy luật này chỉ quan sát được cho số ít tính trạng, nhưng Mendel vẫn tin rằng sự di truyền là riêng rẽ, không phải tập nhiễm và tính di truyền của nhiều tính trạng có thể được diễn giải thông qua các quy luật và tỷ lệ đơn giản.
Bảng thống kê các tính trạng trong thí nghiệm của Mendel
Những giá trị khoa học của Mendel chưa ai có thể tìm hiểu và khẳng định tính đúng đắn rộng lớn của nó. Năm 1884, Mendel qua đời để lại dấu hỏi lớn cho các nhà khoa học trong thời kỳ này.
Tầm quan trọng của công trình Mendel không được nhận biết rộng rãi cho tới năm 1900, tức sau khi ông mất. Trong năm đó, cả ba nhà khoa học Hugo de Vries (Hà Lan), Erich von Tschermak (Áo) và Carl Correns (Đức) đã nghiên cứu độc lập với nhau và cùng tái phát hiện các quy luật Mendel.
Tính trội – tính lặn thể hiện ở Phép lai trong thí nghiệm Mendel. (1) thế hệ cha mẹ, (2) thế hệ F1, (3) thế hệ F2.
Năm 1900 đánh dấu một mốc khởi đầu mới cho sự phát triển của di truyền học. Đồng thời nó cũng đã khẳng định được giá trị to lớn mà Mendel đã đóng góp cho khoa học. Định luật Mendel ra đời có ý nghĩa quan trọng trong lý thuyết giảng dạy và nghiên cứu thực tiễn.