Có một sự thật kì lạ, xã hội chúng ta đã và vẫn đang mặc định rằng, màu hồng (hay những màu sắc rực rỡ) là dành cho con gái, còn màu xanh (hay những gam màu lạnh) là dành cho con trai. Vì sao lại thế nhỉ?
Nhiều người cho sự mặc định trên là hết sức bình thường. Nó là một quy chuẩn của mọi xã hội và mặc nhiên thừa nhận, thậm chí, nó cũng có thể là một đặc điểm sinh học của con người. Bé trai mang giới tính nam, đương nhiên là thích màu xanh, ngược lại, màu hồng nữ tính là của riêng những bé gái.
Tuy nhiên, hơn 150 năm trước, "mặc định" này hoàn toàn ngược lại: Trẻ em sinh ra dù là trai hay gái thì đều chỉ mặc màu trắng. Sự kết hợp giữa màu hồng với các bé trai thì cũng hoàn toàn bình thường, không có gì là lạ cả. Bằng chứng là ở hai quốc gia Bỉ và Đức, đàn ông rất hay mặc đồ màu hồng.
Theo Tạp chí Trẻ em số ra tháng 6/1918, một bài báo đã từng tổng kết rằng: “Màu hồng là màu của con trai còn màu xanh là màu của con gái”. Lí do là vào thời kỳ bấy giờ, màu hồng thể hiện sự mạnh mẽ và quyết đoán hợp với phái mạnh, còn màu xanh mềm mại và thanh nhã nên dành cho phái yếu.
Jo Paoletti - một nhà xã hội học tham gia nghiên cứu trên đã khẳng định, trào lưu phân biệt màu sắc theo giới tính chỉ thực sự tồn tại khoảng nửa đầu thế kỉ 20 từ nước Mĩ.
Sự kiện đánh dấu việc này có thể là một biểu đồ khảo sát doanh số bán hàng của các cửa hàng quần áo Mĩ do tạp chí TIME tổng hợp xem con trai, con gái thích sử dụng quần áo màu gì.
Kết quả như ai cũng biết: màu xanh dành cho phái mạnh, phái yếu chọn màu hồng. Từ đó, xu hướng màu sắc phân biệt giới tính tồn tại cho tới tận ngày nay.
Philip Cohen - một giáo sư khác của ĐH Maryland kết luận: hiện tượng trên không phải do đặc tính sinh học thuần túy mà là kết quả của sự quảng cáo và marketing trong xã hội, còn con người thì chịu sự ảnh hưởng lớn từ ý kiến của số đông.
Ông cũng đưa ra thêm một nguyên nhân khác nữa, đó là ảnh hưởng của thời trang Pháp.
Trong thế kỉ 20, thời trang Pháp có một tầm ảnh hưởng rộng khắp toàn thế giới, mà bản thân trong các mẫu thiết kế của họ, màu hồng được dành riêng cho phụ nữ, còn màu xanh là của đàn ông.
Chính vì thế mà hiện tượng trên càng thêm phổ biến và từ lúc nào trở thành một quy chuẩn tự nhiên của cả xã hội.
Ngày nay, một số nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc ĐH Newcastle (Anh) còn liên hệ vấn đề này là kết quả của sự tiến hóa. Thuở sơ khai, khi con người sống bằng săn bắt và hái lượm, đàn ông phụ trách việc săn bắt, nên họ có xu hướng chọn những màu tối như màu xanh, còn phụ nữ đảm nhiệm việc hái lượm, lại có xu hướng chọn màu hồng, đỏ vì đó chính là màu của quả chín.
Bạn có thể xem thêm: