Nếu muốn đến một lễ hội mà được chứng kiến sự náo nhiệt, màu sắc và cả sự ghê rợn, lựa chọn tốt nhất chắc chắn sẽ là lễ hội ăn chay ở Phuket, Thái Lan vào trung tuần tháng 10 hàng năm.
Chùm ảnh dưới đây được thực hiện bởi nhiếp ảnh gia Guillaume Megevand sẽ cho bạn những trải nghiệm thật nhất về lễ hội này.
Hàng năm, lễ hội ăn chay ở Phuket, Thái Lan thu hút hàng trăm ngàn khách du lịch tới tham gia. Lý do là bởi họ hiếu kỳ, tò mò với sự độc đáo đến mức kinh hãi của những trò chơi trong lễ hội.
Tác giả của bộ ảnh chia sẻ: “Lễ hội này là một trong những lễ hội cực đoan nhất thế giới và 100% nó không dành cho những người yếu tim”.
Nguồn gốc của lễ hội này cho tới nay vẫn chưa được khẳng định chắc chắn, nhưng theo truyền thuyết thì trong quá khứ, một đoàn kịch Trung Quốc khi tới Thái Lan đã mắc phải căn bệnh sốt rét (vô phương cứu chữa thời đó).
Các thành viên đoàn kịch quyết định ăn chay và cầu nguyện sự giúp đỡ của chín vị thần. Lời khẩn cầu linh ứng, họ khỏi bệnh và từ đó hàng năm tổ chức lễ hội này trong 9 ngày để tưởng nhớ công ơn của các vị thần xưa.
Lễ hội diễn ra trên đường phố, trong vòng 9 ngày liên tiếp vào tháng 10 với rất nhiều hoạt động, đặc biệt là các tập tục ghê rợn: bấm khuyên khổng lồ, đi trên than nóng, chơi pháo nổ, hành xác…
Rất nhiều người thắc mắc tại sao một lễ hội mang tên là “ăn chay” lại đầy máu và có phần bạo lực tới vậy.
Thật ra, trong quan niệm của người châu Á, ăn chay là một hành động cao cả, thanh cao và những tập tục hành xác là để làm cho cơ thể, tâm hồn mình trong sạch hơn.
Ở Trung Quốc và một số quốc gia khác, lễ hội như thế này cũng vẫn tồn tại, chỉ có điều mức độ không thể sánh bằng so với ở Phuket.
Những người tham gia lễ hội ăn chay luôn phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định.
Ngoài việc kiêng ăn thịt, họ còn kiêng quan hệ tình dục và sử dụng rượu. Ngoài ra, họ thường mặc đồ màu trắng để chứng minh sự trong sạch, tận tâm của mình.
Trong lễ hội, tập tục bấm khuyên khổng lồ, đi trên than nóng được coi là những nghi lễ hành xác đáng sợ nhất. Với những tín đồ của lễ hội tham dự nghi lễ này được gọi là “mah song”, có nghĩa “ngựa của các vị thần”.
Họ có niềm tin rằng, khi thực hiện những hành động ấy, thân thể của họ sẽ trở thành phương tiện hiến tế cho các vị thần trong lễ hội.
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để thử sức với tục “bấm khuyên”. Những chiếc khuyên ở đây có kích thước từ trung bình tới rất lớn, và đều rất kỳ lạ.
Đối với người mới bắt đầu, họ sẽ dùng những chiếc xiên nhọn như thế này. Còn với những tín đồ “kì cựu” của lễ hội, họ sẽ sử dụng bất cứ thứ gì để làm khuyên: từ đàn ghi ta, thước kẻ, đao, kiếm…
Truyền thống bấm khuyên kiểu này có nguồn gốc từ nhiều nghi lễ hành xác trong đạo Hindu.
Đối với những người tham gia lễ hội ăn chay này, số lượng “khuyên” được xâu càng nhiều, kích thước càng lớn càng được nể phục, tôn trọng, chứng tỏ người đó hết lòng và tận tâm với các vị thần.
Vào ngày “bấm khuyên” trong lễ hội, mọi người tập trung tại một ngôi đền Trung Quốc ở Phuket gọi là “ahms”.
Để chuẩn bị cho ngày trọng đại này, những người tham gia có chế độ ăn uống nghiêm ngặt từ trước đó rất nhiều ngày bởi họ tin, làm như vậy, lúc bấm khuyên sẽ ít đau hơn.
Ngày nay, công việc bấm khuyên sẽ được thực hiện bởi sự giám sát của những nhân viên y tế cùng dụng cụ chuyên dụng đặc biệt.
Anh Khun Uten - người bấm khuyên từ năm 15 tuổi tâm sự: “Sợ chứ. Nhưng tôi không chạy trốn, lúc đó, cơ thể tôi không còn là của tôi nữa.”
Các tín đồ tin rằng, các vị thần sẽ bảo vệ mình khỏi sự đau đớn khi hành xác và vết thương sẽ rất mau lành.
Còn theo lời giải thích khoa học là: số lượng các mạch máu lớn ở má không nhiều, hầu hết là mạch máu nhỏ và mao mạch nên với một người khỏe mạnh, các vết thương ở đây sẽ lành rất nhanh chóng.
Bên cạnh tục bấm khuyên thì tiếng pháo nổ, trống đánh... cũng là một đặc trưng của lễ hội ăn chay.
Những âm thanh này được coi là cách để xua đuổi linh hồn của quỷ dữ và kêu gọi các vị thần về chứng giám. Tuy nhiên, cũng có không ít người bị thương và tử vong bởi lễ hội này.
Bạn có thể xem thêm: