Ở Tây Ban Nha, cứ vào tháng 7 hàng năm, người ta lại tổ chức một lễ hội vô cùng đặc biệt.
Tại đây, cả đàn ông và phụ nữ đều tham gia vào lễ hội, họ chỉ dùng đôi tay của mình để chiến đấu với cả một đàn ngựa hoang. Họ dùng kéo cắt bờm, đuôi của chúng và cố gắng thuần hóa chúng.
Lễ hội thuần ngựa bằng tay không này có tên Rapa Das Bestas, đây là một lễ hội cổ xưa có từ cách đây 400 năm trước ở Galicia, Tây Ban Nha. Lễ hội được tổ chức mang ý nghĩa thuần hóa tự nhiên của con người.
Rapa Das Bestas có nghĩa là “cắt lông của những con quái vật”. Ngựa hoang được ví như những con quái vật, vô cùng hung hăng và hiếu chiến, con người sẽ phải dùng đôi bàn tay của mình, chiến đấu với chúng, chứng tỏ khả năng của mình.
Nguồn gốc của lễ hội vật ngựa này bắt nguồn từ một huyền thoại. Vào giữa thế kỷ XVI, trong một trận đại dịch ở làng Sabucedo, hai người phụ nữ đã cầu xin thánh San Lorenzo giúp đỡ.
Khi dân làng được giải thoát khỏi đại dịch, họ đã mang 2 chú ngựa nhà lên ngọn đồi cao nhất trong làng để dâng cúng.
Hai chú ngựa đó là tổ tiên của bầy ngựa hoang đi lang thang ở vùng núi Galicia, khu vực phía Bắc của Tây Ban Nha.
Hàng năm, người dân địa phương lại lùa chúng về một bãi đất trống để thực hiện nghi lễ như để tạ ơn. Họ cho rằng, cắt bờm và đuôi của những chú ngựa sẽ giúp chúng "gọn gàng" và thấy thoải mái hơn.
Sự kiện nổi tiếng nhất Galicia được tổ chức ở làng San Lorenzo de Sabucedo và kéo dài 3 ngày, những vật dụng như dây thừng hay roi da đều không được phép xuất hiện vào ngày này.
Theo truyền thống, lễ hội sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy đầu tiên trong tháng 7 và kéo dài đến thứ 2. Lễ hội sẽ bắt đầu trước khi những người chăn nuôi đi làm, khoảng 7h sáng.
Thông thường, phải cần ba người đàn ông (gọi là Aloitadores) để có thể tóm được con ngựa, một người ngồi trên lưng ngựa, một người giữ cổ và một người giữ đuôi.
Cả ba cùng cố gắng phối hợp nhịp nhàng vật ngã con ngựa xuống đất để cắt bờm và đuôi của chúng.
Theo quan niệm của người Tây Ban Nha, khi đã được xén bờm, những con ngựa sẽ bớt nóng bức hơn trong suốt những tháng hè và vì thế chúng sẽ hiền lành hơn.
Đây là một cuộc chiến giữa con người với động vật, vì những con ngựa hoang rất hung hăng và hoang dại.
Đối với mỗi người tham gia lễ hội thuần chủng ngựa, họ phải có những kỹ năng cần thiết cũng như khả năng phối hợp với những Aloitadores khác để kiểm soát ngựa hoang một cách dễ dàng nhất.
Nếu không chuẩn bị kỹ, rất có thể Aloitadores sẽ bị thương khi đang cố “tóm” lấy một chú ngựa hoang trong bầy ngựa.
Tuy nhiên, nếu thực hiện một cách nhanh chóng, quyết đoán, sẽ rất dễ dàng để tóm và cắt thành công đuôi, bờm của một chú ngựa hoang.
Những pha đấu sức giữa người với ngựa đầy quyết liệt.
Lễ hội Rapa Das Bestas được tổ chức lần đầu tiên từ thế kỷ XVIII với mục đích đơn giản là làm vệ sinh cho những chú ngựa hoang và tìm một vài con tốt cho đàn gia súc.
Khi Aloitadores kiểm soát được chú ngựa hoang, họ sẽ mở tiệc ăn mừng với dân làng.
Rapa Das Bestas là một lễ hội truyền thống cao quý của người Tây Ban Nha, trong đó, người đàn ông là đại diện trước các loài thú. Họ không có vũ khí mà chỉ sử dụng duy nhất đôi bàn tay và lòng can đảm.
Đã có một thời gian, lễ hội thuần ngựa ở Tây Ban Nha bị coi là một lễ hội tàn bạo và hung hăng. Nhưng trên thực tế, lễ hội không hề khắc nghiệt và nguy hiểm tới tính mạng con người.
Dân làng và khách du lịch cũng có thể tham gia vào lễ hội dưới sự giám sát của các Aloitadores lành nghề và giàu kinh nghiệm để tránh rủi ro xảy ra.
Vào ngày cuối cùng của lễ hội, khi mọi người đã ăn mừng chiến thắng xong xuôi, những con ngựa lại được dồn lên núi, tiếp tục cuộc sống lang thang của chúng. Dân làng sẽ dọn dẹp và trở lại cuộc sống yên tĩnh thường ngày.
Bạn có thể xem thêm: