Lần đầu tiên tái tạo thành công một cơ quan "sống" trong hệ miễn dịch

, Theo Mask Online 12:00 26/08/2014
Chia sẻ

Phát hiện mới này của các nhà nghiên cứu Scotland mở ra hi vọng mới trong việc điều trị, cấy ghép nội tạng cho con người.

Mới đây, các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Edinburgh (Scotland) lần đầu tiên đã tái tạo thành công một cơ quan quan trọng của hệ miễn dịch trên chuột. Phát hiện này mở ra hướng đi mới trong việc thay thế, cấy ghép nội tạng, điều trị cho con người trong tương lai.



Cơ quan được tái tạo là tuyến ức - nằm gần tim và là một phần của hệ miễn dịch. Cơ quan này hoàn chỉnh từ sớm và phát triển chậm dần cho đến tuổi dậy thì, sau đó co lại và giữ kích thước đó đến cuối đời. Sự suy giảm tuyến ức do tuổi tác khiến hệ miễn dịch yếu hơn và dễ nhiễm bệnh.


 Tuyến ức đóng vai trò quan trọng trong một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.

Tuyến ức cũng là nơi trưởng thành của tế bào T - đóng vai trò chống lây nhiễm. Tại trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm tế bào tuyến ức trên phôi chuột. Những tế bào này được "lập trình lại" và bắt đầu biến đổi thành một dạng tế bào được tìm thấy trong tuyến ức. 

Kết quả là, tuyến ức bắt đầu tái hình thành cấu trúc tương tự trên chuột non với các chức năng của cơ quan đã phục hồi. Chuột cũng tạo ra nhiều tế bào T hơn. 


Giáo sư Blackburn Clare - người tham gia nghiên cứu cho biết: "Phát hiện này vô cùng thú vị và bất ngờ bởi chúng tôi thực sự đã tạo ra điểm khởi đầu cho một cơ quan có đầy đủ chức năng và có tổ chức với các tế bào được tái lập trình một cách đơn giản. Đây quả là một bước tiến lớn về lĩnh vực y học tái tạo".

Phát hiện này mở ra nhiều phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân bị tổn thương hệ miễn dịch hay mắc các triệu chứng di truyền ảnh hưởng đến sự phát triển của tuyến ức. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho hay, để có thể thử nghiệm trên người, họ còn cần tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm nữa.

Các nhà nghiên cứu cần chắc chắn rằng, tế bào cấy ghép này sẽ không gây ra nguy cơ ung thư nào cho người bệnh. 


Tiến sĩ Paolo de Coppi - người đi đầu trong việc điều trị tái sinh tại Bệnh viện Great Ormond Street chia sẻ: "Một trong những mục tiêu quan trọng trong y học là tái tạo cơ chế tự phục hồi cho cơ thể và áp dụng cơ chế này một cách có kiểm soát để trị bệnh. Nghiên cứu trên chứng tỏ, trong tương lai với nền y học hiện đại, việc sử dụng các tế bào chuyên biệt có nguồn gốc từ tế bào gốc nhằm thay thế tế bào cũ có thể được thực hiện, tuy nhiên cần tránh các vấn đề như hình thành khối u".

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Cell Biology.

June (Theo BBC)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày