Tình cảm cha mẹ dành cho con cái là vô bờ bến, không có giới hạn. Điều này không chỉ đúng với con người mà còn với cả người bạn hoang dã của chúng ta.
Hẳn bạn sẽ cảm nhận được khoảnh khắc âu yếm, dịu dàng và hồi tưởng lại kỷ niệm thời thơ ấu khi ngắm nhìn những bức ảnh chạm đến trái tim dưới đây về
tình mẫu tử ở các loài động vật.
Gấu trắng Bắc Cực
Mỗi lần mang thai, gấu trắng Bắc Cực cái thường sinh 2 gấu con. Ngay khi gấu con đã sẵn sàng, gấu mẹ sẽ dẫn chúng đi khắp nơi để dạy về cách săn mồi và những kĩ năng sống cần thiết khác. Gấu mẹ luôn bảo vệ, bao bọc con mình và đề phòng mối nguy hiểm đe dọa đến từ xung quanh.
Sư tử
Sư tử là loài động vật ăn thịt sống theo bầy đàn. Trong khi sư tử cái săn mồi cho cả đàn thì sư tử đực làm nhiệm vụ bảo vệ và duy trì lãnh thổ.
Sư tử cái nuôi con mà không có sự hỗ trợ của sư tử đực. Giống như mèo, giây phút ấm áp nhất của tình mẫu tử là khi sư tử mẹ nằm bên đàn con của mình, vừa nghỉ ngơi vừa liếm lông “làm vệ sinh” cho con.
Chuột Opossum
Chỉ có chuột Opossum cái mới có túi để đựng con. Chuột Opossum con thường có kích thước khá nhỏ, do đó, ngay khi mới sinh ra, chúng đã tìm đường chui vào túi mẹ và lớn lên trong đó. Khi lớn hơn một chút, chuột con sẽ leo lên lưng mẹ và "cổ vũ" mẹ chúng săn mồi.
Cáo
Cáo thuộc họ chó với kích thước nhỏ hoặc trung bình với đặc trưng là mõm dài, tai to và đuôi rậm. Vì sống đơn lẻ nên khi sau khi sinh con, cáo mẹ thường nuôi con một mình.
Chim bồ câu
Bồ câu là loài sống theo cặp. Khi đến mùa giao phối, con cái sẽ đẻ 2 quả trứng vào chiếc tổ bằng rơm rạ hay cành cây khô được bồ câu đực chuẩn bị trước. Cả bồ câu đực - cái đều tham gia vào công việc nuôi dạy và chăm sóc con cái.
Chúng nuôi con bằng các loại hạt, hoa quả, thực vật… Điều đặc biệt khác các loài chim khác là cả con đực và con cái đều có khả năng tiết ra sữa để nuôi con.
Sóc
Sóc là một họ lớn trong bộ gặm nhấm với đặc điểm là cái đuôi xù và đôi mắt to tròn. Sóc sinh sản 1-2 lần trong năm với số lượng không đồng nhất. Con non sinh ra chưa có răng, mắt vẫn nhắm và yếu ớt. Giống như hầu hết các loài, chỉ có sóc mẹ chăm sóc và yêu thương con của mình.
Gấu nâu
Gấu nâu thường sống đơn độc nên khi sinh con, gấu cái đều một mình nuôi dạy con cho đến lúc trưởng thành. Thông thường, mỗi năm, gấu cái sinh từ 1-4 gấu con.
Hươu cao cổ
Mỗi lứa sinh, hươu cao cổ thường sinh một hươu con. Ngay khi vừa mới ra đời, hươu mẹ đã đỡ hươu con tập đứng. Và chỉ trong có vài tiếng đồng hồ, hươu con đã có thể chạy nhảy linh hoạt không cần sự giúp đỡ của mẹ.
Voi
Mỗi lần sinh, voi mẹ chỉ sinh được một voi con và chú voi con này sẽ là trung tâm của sự chăm sóc quan tâm của cả đàn. Các con voi khác cũng thường dùng vòi để vuốt ve, âu yếm voi con.
Đôi khi, voi con còn được nuôi dạy bởi voi khác không phải mẹ đẻ chúng. Điểm đặc biệt nhất là khi cảm thấy có mối đe dọa, cả đàn voi sẽ chụm lại với nhau bảo vệ voi con.
Chim cánh cụt
Chim cánh cụt thường sống thành bầy, đông tới hàng nghìn con. Mỗi lần sinh, chim cánh cụt sinh 1-2 trứng. Cả chim đực và chim cái đều tham gia vào công việc ấp trứng cực nhọc này.
Chúng thường kẹp trứng giữa hai chân chụm vào nhau để giữ cho trứng luôn được ấm bởi thân nhiệt cơ thể. Chim mẹ chuyển giao nhiệm vụ ấp trứng cho chim bố khi đi kiếm ăn.
Chim choi choi cổ khoang
Chim choi choi cổ khoang thường tập trung sinh sản ở các bờ biển cát hay các hồ nước lợ. Mỗi lứa chúng đẻ từ 3-5 trứng. Và 3h sau khi nở, chim non đã có thể chạy, nhảy, bơi giỏi theo bố mẹ chúng. Cả chim bố và chim mẹ sẽ tham gia vào việc chăm sóc chim con.
Rái cá
Rái cá là loài động vật có vú ăn thịt, có thân dài, uyển chuyển với lớp lông dày, không thấm nước; sống dưới nước hay đại dương. Rái cá con được chăm sóc bởi cả bố mẹ và những thành viên khác trong đàn.
Hà mã
Tuy cơ thể to lớn và thô kệch, hà mã lại khá linh hoạt dưới nước và thường đắm mình trong ao hồ bùn lầy để tránh nóng.
Hà mã con được sinh ra dưới nước và ngay khi vừa sinh, chúng đã phải tự bơi lên để tập hít thở lần đầu tiên trên mặt nước. Khi nước quá sâu với chúng, hà mã con thường leo lên lưng mẹ.
(Nguồn tham khảo: Bored Panda/MyModernMet)