Giao phối để duy trì nòi giống là bản năng của
động vật. Thế nhưng, trên Trái đất tồn tại những cá thể động vật hoang dã không thể tìm được bạn tình, hoặc chỉ tồn tại duy nhất độc lập và sống cuộc sống cô đơn mãi mãi.
Trừ con người "F.A" ra, thì đó là những động vật nào?
1. Rùa George
Ít ai ngờ, chú rùa Pinta ở đảo Galapagos có tên George là một trong những sinh vật cô đơn nhất trên thế giới. Rùa Pinta là một loài động vật đặc hữu chỉ tồn tại trên quần đảo Galapagos, được con người phát hiện vào năm 1877.
Đáng tiếc rằng, con người lại không bảo vệ loài vật quý hiếm này mà tiến hành săn bắn chúng. Vào cuối thể kỷ XIX, rùa Pinta đã biến mất hoàn toàn và bị tuyên bố tuyệt chủng vào đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên đến ngày 1/12/1971, một nhà nghiên cứu động vật thân mềm người Hungary - Joseph Vagvolgyi đã bất ngờ phát hiện ra một cá thể rùa đực Pinta. Ông đặt tên cho chú rùa này là George và chuyển chú về Trung tâm nghiên cứu Charles Darwin để bảo tồn và nhân giống.
George đã sống hơn 100 năm.
George được cho cặp đôi với hai cô rùa cái khác thuộc loài Chelonoidis - những cá thể được coi là gần gũi nhất với George. Các nhà khoa học hy vọng rằng, những đặc điểm tốt của George sẽ được bảo tồn qua quá trình sinh sản. Tuy nhiên, điều đáng buồn là rùa George lại phớt lờ mọi hành vi ve vãn của hai nàng rùa cái.
Sau gần 10 năm, những nỗ lực nhân giống George đều thất bại, dù cho các nhà nghiên cứu của Trung tâm Darwin đã đưa ra giải thưởng trị giá 10.000 USD (tương đương 208 triệu VND) cho ai tìm được một nàng rùa cái phù hợp với George. Các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân là George cảm thấy xa lạ với các chú rùa khác.
Đến 24/6/2012, rùa George qua đời. Mọi người ước tính George đã hơn 100 tuổi, được sinh ra vào giai đoạn số lượng loài Pinta đang suy giảm nhanh chóng. Nhiều người cho rằng, rùa George đã rất đau buồn khi chứng kiến người thân, bạn bè ra đi, còn bản thân sống cô độc trong gần 100 năm.
2. Cá voi cô đơn 52Hz
Năm 1989, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hải dương học Woods Hole đã phát hiện ra một chú cá voi to lớn và phát ra âm thanh ở tần số 52Hz. Đây được coi là "bi kịch" với chính nó khi tất cả những cá thể cá voi khác phát ra âm thanh từ 15-20Hz.
Chính vì vậy, chú cá voi 52Hz chẳng bao giờ có thể tìm được "một nửa" của mình và được mệnh danh là sinh vật cô đơn nhất thế giới.
Cá voi 52Hz không thể có bạn tình bởi âm thanh phát ra từ chú quá đặc biệt.
Các nhà khoa học tại Viện Hải dương học Woods Hole không thể xác định được nguyên nhân khiến con vật này lại phát ra âm thanh 52Hz. Họ suy đoán rằng, chú cá voi có thể là con lai của một con cá voi xanh và loài khác nên âm vực đã bị thay đổi.
Theo tờ New York Times, rất có thể con cá voi bị điếc nên cố gắng làm giọng nói thêm lớn.
Mỗi năm, chú "cá voi cô đơn" di chuyển hàng chục ngàn Km để mong muốn tìm ra bạn tình.
Hàng năm, cá voi 52Hz lang thang một mình trong khắp đại dương mênh mông để tìm kiếm bạn tình. Chú thường được phát hiện ở biển Thái Bình Dương từ tháng 8 - tháng 12, sau đó di chuyển ra về phía Bắc quần đảo Kodiak hay phía Nam bờ biển California.
Mỗi ngày cá thể cá voi này bơi được hơn 30 - 70km và không ngừng phát ra âm thanh tha thiết gọi bạn tình. Ước tính, chú cá voi đi được 11.062km mỗi mùa và kéo dài gần 30 năm, nhưng chưa một lần nào chú có được một mối tình đích thực.
3. Cá Mangarahara
Mangarahara là một loài cá nhiệt đới gần như đã tuyệt chủng trong môi trường tự nhiên. Hiện trên thế giới chỉ còn 3 cá thể được chăm sóc tại vườn thú London và vườn thú ở Berlin. Đáng tiếc rằng, cả ba cá thể này đều là đực và đã sống được hơn 12 năm trong khi tuổi thọ của chúng chỉ tối đa là 20 năm.
Cá Mangarahara chỉ còn 3 cá thể nhưng đáng tiếc tất cả đều là đực.
Điều đó có nghĩa là thời gian để bảo tồn loài này vô cùng ít. Do đó vườn thú ở Berlin và London coi việc tìm bạn tình cho Mangarahara là vô cùng cấp bách. Họ kêu gọi những người nuôi cá tìm kiếm những cá thể cái phù hợp và sẵn sàng trả giá lên tới cả ngàn USD. Thế nhưng thời gian qua đi, việc tìm kiếm bạn tình cho cá Mangarahara ngày càng rơi vào bế tắc và tuyệt vọng.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, Discovery News, Wikipedia...