Từ trước tới nay, chúng ta đều biết rằng, cần phải nói lời xin lỗi khi ta vô ý làm tổn thương đến ai đó, làm ảnh hưởng đến người khác. Lời xin lỗi được nói ra làm cho người được xin lỗi cũng cảm thấy thoải mái và dễ tha thứ hơn.
Tuy nhiên, không phải bất cứ ai cũng hiểu điều đó. Các
nghiên cứu chỉ ra, dù cho những người này đôi khi nhận lỗi trước các hành động sai trái nhưng lại hiếm khi nói lời xin lỗi bởi họ tin rằng, những gì bản thân làm chưa hẳn quá đáng hay rất ngại phải nói 2 chữ "xin lỗi".
Các nhà nghiên cứu Tyler G. Okimoto, Michael Wenzel và Kyli Hedrick thuộc ĐH Queensland (Úc) tìm hiểu về những gì đang xảy ra trong tâm trí của những người từ chối nói lời xin lỗi.
Ông Okimoto cho biết: "Chúng tôi thấy rằng, khi một người nói lời xin lỗi, đôi khi họ sẽ cảm thấy tốt hơn, nhưng điều thú vị là nếu từ chối không nói lời xin lỗi cũng không khiến họ phiền lòng. Trên thực tế, trong một số trường hợp, nó làm cho họ cảm thấy tốt hơn là phải nói lời xin lỗi".
Sau khi tiến hành khảo sát trên 228 người Mỹ, ông nhận thấy, "Khi bạn không nói lời xin lỗi, điều này làm bạn cảm thấy mình được trao quyền. Đó là quyền lực và sự kiểm soát - điều này đôi khi còn lớn hơn cả giá trị bản thân".
Okimoto chia sẻ, theo như nghiên cứu, những người không thích xin lỗi có sự thúc đẩy cảm xúc mạnh mẽ và toàn vẹn hơn.
Các nhà nghiên cứu không cho rằng, từ chối nói lời xin lỗi là một chiến lược sống hữu ích. Bởi dù sao, lời xin lỗi cũng là cần thiết để giải quyết các mâu thuẫn cá nhân giữa người với người, mà lớn hơn là giữa các quốc gia với nhau.
(Nguồn tham khảo: NPR)