1. Trứng bạch tuộc
Những chú bạch tuộc thường đặt các quả trứng mềm, trong suốt của mình trên những phần nhô ra của các tảng đá hoặc rạn san hô. Bạch tuộc cái đẻ hàng trăm nghìn trứng một lúc và sẽ ở lại bảo vệ chúng khỏi những kẻ thù háu đói cho đến khi trứng nở. Chính vì thời gian bảo vệ trứng trước khi nở rất dài nên bạch tuộc cái rất đói, có một số con đói đến mức ăn chính các xúc tu của mình để sống sót. Khi hàng ngàn chú bạch tuộc con nở ra, chúng được cho ăn các loài sinh vật phù du cho đến khi đủ lớn để có thể sống dưới đáy biển độc lập như những con trưởng thành. Bạch tuộc cái thường bị các kẻ thù ăn thịt ngay khi rời khỏi ổ của mình bởi sau thời gian chăm trứng, nó đã trở nên quá yếu để có thể tự vệ.
2. Trứng cá mập
Hầu hết, các loài cá mập và cá đuối thường đẻ ra những quả trứng với hình dạng kỳ lạ mà đôi khi còn được gọi là “ví của các nàng tiên cá”. Lý do là bởi các quả trứng được bao bọc trong một túi nang mỏng được tạo thành từ collagen. Những túi nang này thường là hình vuông hay hình chữ nhật với những góc nhọn hay sợi dây. Một vài loài cá mập như loài Port Jackson có quả trứng hình xoắn ốc như những mũi khoan bảo vệ chúng ở trong cát. Trứng cá mập có thể bị đánh dạt vào bãi biển và thường có kích thước bằng bàn tay. Cá mập đẻ trứng và nuôi dưỡng trứng trong cơ thể của mình cho tới khi nở. Một vài quả trứng chứa nhiều cá mập con và để đảm bảo chỉ có con mạnh nhất mới được sống sót, chúng thường ăn thịt lẫn nhau ngay từ trong trứng, trước khi nở.
3. Trứng cá
Không giống cá mập hay bạch tuộc, hầu hết các loài cá không giao phối. Con cái thường đẻ trứng và con đực sẽ phóng tinh trùng vào những quả trứng đó. Ở một số loài, con đực và con cái không bao giờ gặp nhau. Không giống như bạch tuộc thường ở lại bảo vệ cá con, chúng thường không làm gì và để cá con tự sinh trưởng. Hàng triệu quả trứng cá được đẻ ra nên thậm chí là những kẻ thù háu đói cũng không thể ăn hết chúng trước khi nở. Một số trứng được đẻ trên những bề mặt lồi lõm như đá nhưng cũng có nhiều loài để trứng tự do trôi giạt trong nước, đôi khi trôi xa đến hàng trăm km.
4. Trứng chim
Chim cái và hầu hết các loài bò sát thường đẻ trứng và bảo vệ trứng cho đến khi nở trong một chiếc tổ có cấu trúc đặc biệt. Và ngay cả sau khi nở, những con chim non còn rất yếu nên vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn. Vỏ trứng chim được làm từ canxi cacbonat - thành phần chính của vỏ sò và ngọc trai. Những quả trứng thường bị chèn ép ở một đầu do áp lực khi còn ở trong bụng chim mẹ. Nhiều loài chim ngồi lên trứng để sưởi ấm cho chúng, một số loài khác lại lén đẻ trứng của mình trong tổ chim khác nhằm tránh việc phải chăm sóc chim non.
5. Trứng khủng long
Trứng khủng long đem lại một cái nhìn ấn tượng về quá khứ bởi đôi khi chúng chứa hóa thạch khủng long con bên trong. Một vài loài khủng long đẻ nhiều trứng trong cùng một tổ và bảo vệ trứng trong khi một số loài đẻ trứng bừa bãi. Trứng khủng long có hình dạng giống viên thuốc hay hình giọt nước. Trứng khủng long to hơn rất nhiều so với các loại trứng của bất kỳ loài vật nào với hơn 60cm chiều dài và 20cm chiều rộng. Vỏ trứng có nhiều lỗ nhỏ cho phép không khí vào trong phôi. Quả trứng càng to càng cần vỏ trứng dày hơn để có khả năng nâng đỡ trọng lượng của quả trứng.
6. Trứng côn trùng
Côn trùng cái thường lưu trữ tinh trùng của một lần giao phối để sử dụng cho nhiều lần thụ tinh tiếp theo, do nhiều côn trùng đực chết sau lần giao phối duy nhất. Côn trùng đẻ nhiều trứng một lúc và đôi khi xây những chiếc tổ “hoành tráng” để đẻ trứng. Những quả trứng có nhiều hình dạng và cách ngụy trang vô cùng ấn tượng. Có loài được đẻ trong nước và những con côn trùng mới sinh thích hợp với việc tận hưởng cuộc sống đầu đời ở trong nước trước khi làm quen với không khí. Với loài kiến hay mối, chúng chăm sóc trứng rất cẩn thận, thậm chí còn điều chỉnh cả độ ẩm và độ pH cho trứng nữa đấy!
7. Trứng của động vật lưỡng cư
Hầu hết các động vật lưỡng cư đều bắt đầu cuộc sống ở trong nước nhưng lại chuyển lên cạn khi đã trưởng thành. Do vậy, trứng của chúng thường được đẻ dưới nước, bao quanh bởi một chất kết dính để giữ chúng ở cạnh nhau. Khi trứng nở, chúng được gọi là “nòng nọc” và có mang nhưng lại không có chân. Chúng bơi vòng quanh như cá mặc dù ban đầu chúng không có miệng và duy trì sự sống với chút lòng đỏ của trứng còn sót lại bằng cách hấp thụ qua da. Cuối cùng, nòng nọc phát triển miệng, chân, phổi và trưởng thành. Một số ít các loài động vật lưỡng cư trở thành nòng nọc và phát triển thành những cá thể nhỏ ngay cả trước khi trứng nở, do vậy, chúng hoàn toàn không cần sống ở trong nước.