Khám phá 2 hành tinh “đáng sợ” nhất dải ngân hà!
Nhiều người than phiền việc sống trên Trái đất có quá nhiều điều kinh khủng như sóng thần, động đất, bão cát… nhưng chắc chắn chúng ta sẽ chưa thể trông chờ điều gì tốt đẹp hơn ở bên ngoài khoảng không vũ trụ kia. So với COROT-7b thì Trái đất còn hơn cả thiên đường. COROT-7b là 1 hành tinh nhỏ được kính thiên văn COROT của trạm vũ trụ Châu Âu phát hiện vào tháng 2 năm 2009. Ngay lập tức, COROT-7b đã được các nhà nghiên cứu khoa học của đại học Washington (tại St. Louis) liệt vào danh sách hành tinh có bầu khí quyển khủng khiếp nhất.
CoRoT-7b có kích thước lớn gấp 2 lần và nặng gấp 5 lần so với trái đất, và nó cách ngôi sao của nó có 2,5 triệu km – gần hơn 23 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy tới mặt trời của trái đất. Trên hành tinh CoRoT-7b một năm kéo dài 20,4 giờ, nghĩa là nó chỉ tốn 20,4 giờ để quay quanh ngôi sao của mình.
Điều này khiến cho nhiệt độ của nó rất khủng khiếp (ở mức 2760 độ C) ở mặt có ánh sáng mặt trời nhưng lại cực kì lạnh lẽo vào mặt khác. Mặc dù các nhà khoa học không thể chắc chắn cấu tạo của bề mặt hành tinh này là gì nhưng họ tin rằng bầu khí quyển của COROT-7b chứa đầy khoáng chất, khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột chúng có thể “dội mưa” xuống bề mặt hành tinh này.
Cũng như COROT-7b, WASP-18B cũng chẳng khác gì 1 cơn ác mộng “sống”. Nó nặng hơn sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời khoảng 10 lần, nhưng chỉ mất có không đầy một ngày để hoàn thành quỹ đạo của nó quanh một ngôi sao, đồng nghĩa với việc 1 năm trên hành tinh này bằng chưa đầy 1 ngày của Trái đất. Các nhà khoa học đã dự đoán hành tinh hơn một tỉ năm tuổi này còn khoảng một triệu năm trước khi nó bị ngôi sao chủ nuốt chửng.
Hành tinh WASP-18b gần ngôi sao của nó (có tên WASP-18) đến nỗi những luồng sóng plasma mà nó thổi ra có thể vươn tới ngôi sao. WASP-18b chỉ mất chưa tới một ngày để xoay quanh ngôi sao, song những luồng plasma đã làm lệch quỹ đạo của nó. Kết quả là hành tinh lao về phía ngôi sao.
Chính vì quá gần ngôi sao nên nhiệt độ bề mặt của nó lên tới 3.800 độ C.
Như vậy đây là một "cái chết" đã được dự đoán trước dành cho
WASP-18b và lại là một "cái chết" từ từ, kéo dài cả triệu năm luôn.
Hai hành tinh đều nóng khủng khiếp, một cái thì có "đặc sản" mưa khoáng chất, nhiệt độ khác biệt ở hai mặt còn một cái đã được dự báo là đang trên đường đâm sầm vào ngôi sao của nó. So sánh với trái đất thân yêu, bạn chọn sống ở đâu nhỉ?