Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương

Lê Giang, Theo Mask Online 14:15 18/02/2013
Chia sẻ

NASA đã đưa ra câu trả lời vì sao các nhà khoa học không thể phát hiện sớm thiên thạch này...

Những ngày qua, cả thế giới đều xôn xao khi một vụ nổ thiên thạch (gây ra mưa thiên thạch) đã xảy ra vào khoảng 9h20' sáng ngày 15/2 (khoảng 14h20' giờ Việt Nam) trên bầu trời Ural, miền Trung nước Nga và gây thiệt hại không nhỏ.

Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ - NASA ước tính, thiên thạch này có đường kính khoảng 17m, nặng từ 7.000 - 10.000 tấn trước khi đi vào khí quyển Trái đất, tạo ra nguồn năng lượng khoảng 300 - 500 kiloton, tương đương 20 - 30 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản trong Thế chiến II.

Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương 1

Sau đó, một thiên thể lớn hơn mang tên 2012 DA14 bay "sượt" qua Trái đất ở một khoảng cách gần nhất từ trước đến nay. Nhưng khác với vụ nổ sao băng tại Nga, các nhà thiên văn đã quan sát được và theo dõi 2012 DA14 suốt hơn một năm và biết chính xác nó không thể gây hại cho Trái đất.

Tuy vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao cùng là thiên thể nhưng các nhà khoa học lại chỉ phát hiện được 2012 DA14 mà không hề có thông tin nào về vụ nổ thiên thạch này tại Nga?

Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương 2

NASA đã đưa ra những thông tin để giải đáp câu hỏi này. Theo đó, "quả cầu lửa" nổ tung trên bầu trời nước Nga đã bay vào khí quyển với vận tốc 64.000 km/h, nhanh gấp 2 lần tốc độ di chuyển của 2012 DA14. Sau khoảng 30 giây trong không trung, khối sao băng nổ tung ở độ cao 51 km so với mặt đất.

Bên cạnh đó, NASA cho rằng, họ không thể phát hiện thiên thể lao xuống bầu trời nước Nga bởi sự kiện này diễn ra vào ban ngày. Những vụ việc như vậy là gần như không thể phát hiện sớm bởi các kính viễn vọng chỉ trông thấy các vật thể trong vũ trụ vào ban đêm.

Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương 3
Hồ Chebarkul, nơi các mảnh vỡ thiên thạch được tìm thấy.

Ngay sau khi vụ nổ diễn ra, các nhà khoa học đã bắt đầu công cuộc truy lùng mảnh vỡ của thiên thạch để nghiên cứu.

Các mảnh vỡ thiên thạch đã được tìm thấy tại một hồ đóng băng gần thị trấn Chebarkul thuộc khu vực Chelyabinsk, nơi thiên thạch được tin là đã đâm xuống. Nhà khoa học Viktor Grohovsky thuộc ĐH liên bang Ural cho biết, “Thiên thạch này có dạng hình cầu thông thường. Đó là một loại đá thiên thạch chứa 10% đồng. Nhiều khả năng nó sẽ được đặt tên là thiên thạch Chebarkul”.

Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương 4
Một mảnh vỡ thiên thạch.

Space đưa tin, Nghị sĩ Dana Rohrabacher - phó chủ tịch Ủy ban Khoa học, vũ trụ và công nghệ của hạ viện Mỹ cho rằng, "Nước Mỹ đầu tư hàng triệu USD để tìm và theo dõi các sao chổi, thiên thạch. Nhưng thiên thạch nổ trên bầu trời Nga có kích thước nhỏ hơn mức mà các thiết bị của Mỹ có thể phát hiện". Do đó, chúng ta cần chú ý tới nhiều vấn đề sau vụ thiên thạch rơi tại Nga.

Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương 5

Rohrabacher cũng nói thêm, "Thiên thạch là loại thiên tai duy nhất mà con người có thể ngăn chặn. Chúng ta đã có những bằng chứng rõ ràng cho thấy chúng là hiểm họa thực sự và hữu hình. Vụ nổ đó cho thấy chúng ta phải tự bảo vệ bản thân chúng ta và Trái đất trước mối họa rõ ràng đó".

Giải mã chuyện thiên thạch rơi khiến 1.200 người bị thương 6

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu thiên thạch đó lao thẳng vào Trái đất? Chuyên gia Hugh Lewis đến từ ĐH Southampton (Anh) đã trả lời rằng, nếu Trái đất không có bầu khí quyển thì chúng sẽ lao thẳng xuống bề mặt và gây ra sự tàn phá lớn. Chẳng hạn như thiên thạch vừa qua có thể sẽ hủy diệt một thành phố nhỏ.

Rất may, chúng ta có bầu khí quyển che chở nên khi thiên thạch có vận tốc hàng chục km/s trên lao vào sẽ nén không khí, làm nhiệt độ tăng lên cả nghìn độ khiến chúng bị nổ tung trên bầu trời, tạo ra những mảnh thiên thạch nhỏ.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày