Với người Việt Nam, khái niệm Black Friday có lẽ còn rất xa lạ. Thậm chí, Black Friday còn có thể bị hiểu nhầm thành một sự kiện đen tối, kinh hoàng nào đó.
Tuy vậy, ý nghĩa thực sự của Black Friday lại chẳng có gì đen tối hay thậm chí, nó là một trong những ngày lễ được mong chờ nhất trong năm của người Mỹ.
Nguồn gốc Black FridayBlack Friday là ngày thứ Sáu đầu tiên sau ngày
Lễ Tạ ơn. Đây là thời điểm mua bán hàng giá rẻ nhộn nhịp nhất trong năm của người Mỹ.
Ngày đặc biệt này có xuất xứ vô cùng thú vị: Nó ra đời từ tình trạng kẹt xe xảy ra ngày thứ sáu sau Lễ Tạ ơn ở Philadenphia năm 1965. Khi đó, người Mỹ chen chúc đông nghẹt các con phố để mua sắm cho lễ Noel.
Người Mỹ vốn nổi tiếng là những khách hàng khó tính. Bởi vậy, giới kinh doanh Mỹ không thể nào bỏ qua một dịp tuyệt vời như vậy để tung ra các độc chiêu khuyến mãi, giảm giá để thu hút khách hàng.
Cái tên Black Friday bắt nguồn từ thuật ngữ “in the black” và “in the red” trong Tiếng Anh. “In the black” là thuật ngữ chỉ tình trạng doanh nghiệp làm ăn thuận lợi và đối nghịch với nó, chỉ sự thua lỗ, là thuật ngữ “in the red”.
Trước đây, các kế toán thường ghi sổ lãi bằng mực đen và sổ lỗ bằng mực đỏ. Từ đó, người ta đặt tên ngày này là Black Friday nhằm chỉ sự “ăn nên làm ra” của các doanh nghiệp.
Vào ngày này, người Mỹ ùn ùn đổ ra các siêu thị săn tìm hàng giá rẻ. Các công ty kinh doanh cũng không ngại giảm giá từ 10 - 30%, hay thậm chí 60% để bán được nhiều hàng hóa.
Ở các thành phố lớn của Mỹ, người ta xếp hàng từ 4 giờ sáng với hy vọng kiếm được một chiếc iPod giá hời hay một chiếc máy chơi game giá “rẻ như cho không”. Mặc dù các cửa tiệm chỉ mở từ lúc… 5 giờ sáng nhưng nếu xuất hiện đúng giờ này, bạn thậm chí còn chẳng có chỗ để gửi xe.
Nhiều người phải dựng trại ở vỉa hè để "xí chỗ" mua hàng. Đây là điều rất dễ hiểu bởi trong ngày Black Friday, bạn có thể mua được một chiếc laptop xịn giá 599,99 USD (tương đương 12,1 triệu VNĐ) chỉ với 349 USD (tương đương 7,4 triệu VNĐ) hay một chiếc iPhone đẹp long lanh giá 399,99 USD (tương đương 8,1 triệu VNĐ) chỉ với 199 USD (tương đương 4,1 triệu VNĐ).
Trong dịp Black Friday, các nhà kinh doanh thi nhau đưa ra các độc chiêu nhằm thu hút khách hàng. Và bây giờ, cùng điểm qua một vài sự thật thú vị về "Thứ 6 đen tối" (mà chẳng thấy đen tối tí nào!) - lí do khiến các "tín đồ shopping" mê mẩn, bạn nhé!
1. Hàng siêu rẻ cho người đến sớm (Loss leader) Đây là một chiêu thức “cũ nhưng chưa bao giờ lỗi mốt” của các nhà kinh doanh. Phần lớn, họ dùng chiêu này để “nhử” khách vào xem hàng bằng cách hạ giá đến gần như cho không với 50 khách hàng đầu tiên (giảm giá 80 - 90%).
Tất nhiên, số tiền lỗ của những món hàng này chẳng là gì với món hời họ kiếm được sau khi đã “nhử” được khách vào xem. Đơn giản vì một khi đã bước vào, bạn sẽ không thể cưỡng lại những sản phẩm giảm giá cực mạnh khác trong cửa hàng.
2. Phiếu khuyến mãi (Coupon)Bạn có thể mua đồ gia dụng và nhận phiếu coupon ăn gà rán, mua nước hoa nhận coupon mua giày, hay thậm chí mua bánh pizza nhận coupon trị giá … vài lít xăng.
Coupon thường có “hạn sử dụng” đến lễ Noel nhưng cũng có những coupon được “gia hạn” đến vài tháng.
3. Hàng rẻ nhưng không “ôi” Nhiều người trong chúng ta thường có suy nghĩ chung: Hàng giảm giá là hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, điều này lại hoàn toàn không đúng ở Mỹ.
Trong dịp Black Friday, rất nhiều nhãn hãng có tên tuổi cũng tham gia giảm giá. Tất nhiên, các hãng này không thể đánh đổi tên tuổi của mình với vài món đồ kém chất lượng. Vì thế, người Mỹ có thể yên tâm đến 95% về chất lượng của các sản phẩm được bán ra trong ngày Black Friday.
Tuy vậy, Black Friday cũng có... "anti fan" đấy!Đa phần họ là những người mua hàng không thích đông đúc, chen lấn ở nơi công cộng. Vào ngày này, thay vì đội sương gió đi mua hàng giảm giá, họ thường ở nhà xem tivi.
Thực tế, người mua hàng phải chứng kiến nhiều cảnh “thiếu văn hóa” diễn ra trong ngày Black Friday. Nhiều người thậm chí không ngần ngại xông vào cướp giật những món đồ giảm giá để rồi đến cuối ngày, biết bao khách hàng không những chẳng mua được đồ mà còn phải nằm viện.
Hiện nay, có một bộ phận người Mỹ đã lập ra “No Shopping Day” để tẩy chay Black Friday. Họ cho rằng ngày này làm hình ảnh của nước Mỹ xấu đi với cảnh hỗn độn, chen lấn mua đồ.
Tuy vậy, sau nhiều thập niên, Black Friday vẫn “sống khỏe” và trên đà phát triển.
Bạn có thể xem thêm: