Giải mã chuyện con người không cần con mắt thứ 3

Lê Giang, Theo Mask Online 10:53 01/10/2012

Cùng các cập nhật: Kiến cũng biết nổi loạn chống kẻ áp bức, tìm ra liên hệ phân tử với béo phì và kháng insulin.


Lý giải vì sao con người không cần con mắt thứ 3


Hầu hết các động vật, kể cả con người, đều có cơ hội sở hữu mắt thứ 3, nhưng dường như đều khước từ nó để dành cho những thứ hữu ích hơn.

giai-ma-chuyen-con-nguoi-khong-can-con-mat-thu-3

Việc con người bỏ lỡ cơ hội có 3 mắt có thể do đặc điểm đáng chú ý nhất của con mắt thứ 3: không đối xứng. Kẻ một đường thẳng từ trên xuống, qua trung tâm cơ thể người bình thường, ta sẽ thấy sự đối xứng gần như hoàn toàn giữa nửa trái và nửa phải của cơ thể.

Đó là cách thức phát triển của những con mắt bình thường. Chúng bắt đầu như những vết lõm trong cái đầu tròn đang phát triển. Khi các vết lõm ăn sâu hơn, cấu trúc của các mắt được phát triển hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, “mắt đỉnh” không lõm sâu vào trong.

giai-ma-chuyen-con-nguoi-khong-can-con-mat-thu-3

Bên trong, não phát triển thành cấu trúc gồm 2 phần đối xứng. Phía trái của bộ não đóng vai trò như “mắt đỉnh”. Phía phải trở thành tuyến tùng. Ở bò sát, mắt đỉnh thu nhận ánh sáng và tuyến tùng sản sinh melatonin - hormone điều phối chu kỳ ngủ.

Khác với ở các loài bò sát, tuyến tùng ở người không chu du về phía một mắt ở đỉnh đầu mà tọa lạc gần phần còn lại của bộ não, nhưng vẫn sản sinh melatonin. 

Tuyến tùng ở người còn tiết ra các hormone khác giúp điều phối hệ thần kinh, trong đó đáng kể nhất là serotonin. Tuyến tùng hoạt động tốt sẽ giúp con người tập trung, vui vẻ, tỉnh thức vào ban ngày và ngủ vào ban đêm cũng như ngăn chặn sự thoái hóa thần kinh khi người già đi. 

Do đó, đây dường như là sự bù đắp cho việc chúng ta không có con mắt thứ 3.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Kiến cũng biết nổi loạn chống kẻ áp bức


Một nghiên cứu mới phát hiện, các con kiến nô lệ đôi khi cũng nổi loạn bất ngờ chống lại những kẻ thống trị và “xé xác, phanh thây” con cái của đám kiến áp bức chúng.

Loài kiến chủ nô của Mỹ - Protomognathus americanus thường tập kích các tổ của một loài kiến láng giềng (Temnothorax longispinosus), giết chết những cá thể trưởng thành và bắt những con kiến trẻ khác loài làm nô lệ.

giai-ma-chuyen-con-nguoi-khong-can-con-mat-thu-3
Đám kiến "vú em" quây lại, tấn công hội đồng ấu trùng của kiến chủ nô.

Khi quay trở về tổ của mình, những con kiến xâm lược sẽ bắt các con kiến nô lệ dâng nộp thức ăn, bảo vệ tổ và chăm sóc ấu trùng của chúng.

Nhà nghiên cứu Susanne Foitzik đến từ trường ĐH Johannes Gutenberg (Đức) cho biết: “Có thể, ban đầu, những con kiến nô lệ không nhận thức được các ấu trùng thuộc về loài khác”. 

Tuy nhiên, khi các ấu trùng phát triển thành nhộng, những con kiến “vú em” đã phát hiện ra kẻ khác loài dựa vào các dấu hiệu hóa học ở lớp biểu bì và trở nên thù địch với chúng.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Tìm ra liên hệ phân tử với béo phì và kháng insulin


Các nhà khoa học Mỹ cho biết việc vô hiệu hóa một loại phân tử mới được phát hiện trong các tế bào mỡ trắng đã cho phép chuột ăn đồ ăn chứa nhiều calo mà không bị béo phì hay mắc chứng viêm có thể dẫn đến hiện tượng kháng insulin.

Nghiên cứu đã cung cấp mối liên hệ phân tử đầu tiên từng được biết đến giữa sự sinh nhiệt (đốt cháy calo để tạo nhiệt) và sự hình thành chứng viêm ở tế bào mỡ, mà trước đây từng được cho là hai quá trình được kiểm soát một cách riêng rẽ.

giai-ma-chuyen-con-nguoi-khong-can-con-mat-thu-3

Sự sinh nhiệt đóng vai trò quan trọng trong trao đổi chất và duy trì cân nặng khỏe mạnh, còn chứng viêm dẫn đến tình trạng kháng insulin, nguyên nhân của bệnh tiểu đường.

Ông Bruce Spiegelman thuộc Viện ung thư Dana-Farber đã phát hiện ra rằng, protein TRPV4 - một phân tử đóng vai trò như một công tắc, được biểu hiện rõ trong các tế bào mỡ trắng vốn là nơi tích trữ calo dư thừa và bị dồn ứ ở những cá thể béo phì.

Khi không có TRPV4, các tế bào mỡ trắng kích hoạt một bộ gene tiêu thụ năng lượng để sản sinh nhiệt, thay vì tích trữ năng lượng tạo mỡ thừa. Các nhà khoa học cho rằng, vai trò của TRPV4 sẽ góp phần tìm ra phương pháp điều trị béo phì và các căn bệnh khác liên quan đến trao đổi chất.

(Nguồn tham khảo: Vietnamplus)