Các nhà nghiên cứu khảo cổ học Chile vô cùng sửng sốt khi phát hiện những
xác ướp thổ dân Chinchorro thu thập được tại vùng hoang mạc gần bờ biển nằm ở phía Bắc Chile và Nam Peru với niên đại 7.000 năm đang dần ngả sang màu đen.
Đây được cho là những xác ướp cổ nhất được phát hiện trên thế giới khi chúng xuất hiện khoảng năm 5.000 TCN, trong khi xác ướp Ai Cập cổ nhất có niên đại khoảng năm 3.000 TCN mà thôi.
Mặc dù được giữ nguyên vẹn ở Chile hơn 7.000 năm nhưng hiện tại, những xác ướp này đang bị đe dọa bởi các tác động từ thiên nhiên, cụ thể là độ ẩm cao. Theo đó, những xác ướp bắt đầu có sự phân hủy làn da và xuất hiện màu đen trên bề mặt.
Qua nghiên cứu sơ bộ, giáo sư Ralph Mitchell thuộc ĐH Harvard ở Cambridge, Massachusetts cho biết: "Chính không khí ẩm đã tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển, gây hại cho làn da của xác ướp, khiến phần da của xác ướp biến thành màu đen và có cảm giác dính dính".
Đặc biệt hơn, những xác ướp được đem về nghiên cứu - lưu trữ tại Bảo tàng khảo cổ học thuộc ĐH Tarapacá phía Bắc Arica, Chile càng bị ảnh hưởng một cách nặng nề.
Mitchell và đồng nghiệp đã cùng nghiên cứu hệ vi khuẩn trên cơ thể xác ướp, nhưng kết quả của các cuộc thử nghiệm cho thấy, chúng không phải là vi sinh vật thời cổ đại. Chúng có lẽ chỉ đơn giản như vi khuẩn thường sống trên da người.
Trong thí nghiệm của mình, ông và nhóm nghiên cứu đã điều chỉnh độ ẩm không khí từ khô ráo đến ẩm ướt và chăm chú quan sát làn da của xác ướp ở mỗi cấp độ. Kết quả cho thấy, làn da xác ướp sẽ bắt đầu có sự phá hủy sau 21 ngày ở trong độ ẩm cao.
Giáo sư Mitchell gọi những vi khuẩn này là "kẻ cơ hội" bởi khi nhiệt độ và độ ẩm thích hợp xuất hiện, những vi khuẩn này bắt đầu tấn công và sử dụng da như một chất dinh dưỡng. Ông cho rằng, "Trừ khi xác ướp được lưu giữ bởi độ ẩm phù hợp - khoảng 40 - 60%, những vi sinh vật bản địa sẽ kìm giữ sự sinh sôi của vi khuẩn này".
Nguồn: NBC News