Công thức “tối mật” của Coca-Cola nhiều khả năng là đã bị “
bại lộ”. Nhưng bạn có biết rằng ngoài Coca-Cola ra, còn rất nhiều công ty và tổ chức rất thích chơi trò “cất giấu” thông tin kinh doanh cũng như công thức làm nên sản phẩm của mình “trong bóng tối”. Cùng điểm qua tên tuổi của một vài hãng lớn nổi tiếng trong việc “bưng bít” thông tin về chính mình nhé!
Gà rán KFC
Thương hiệu đồ ăn nhanh từ Mỹ này đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới. Lớp bột chiên giòn được KFC giới thiệu là làm từ 11 loại dược thảo và gia vị chính là bí quyết làm nên “vị ngon trên từng ngón tay” (finger-lickin’ good, câu slogan của KFC).
Harland David Sanders (1890 - 1980), ông chủ quá cố của KFC
Tuy nhiên cụ thể 11 loại gia vị đó là gì thì chính ông chủ quá cố của KFC là Harland David Sanders không hề muốn tiết lộ. Colonel chỉ “tâm sự” rằng công thức truyền thống đã được thay đổi chút ít khi ông cho nhượng quyền thương hiệu đi khắp thế giới.
Công thức chế biến được viết tay và được cất giữ trong két sắt công nghệ cao đặt tại trụ sở chính của KFC ở Louisville, Kentucky. Chỉ có 2 người điều hành cao nhất thực sự biết được công thức và một người nữa chỉ được biết mã số mở két sắt đề phòng bất trắc.
Đối thủ cạnh tranh của KFC là McDonald's lại làm người ta tò mò vì loại nước sốt đặc biệt sử dụng trong loại bánh Big Macs nổi tiếng.
Năm 2004, McDonald’s từng bị thất lạc công thức chế biến nước sốt sau khi công thức được đem ra chỉnh sửa lại để hạ giá thành. Rất may là họ đã kịp thời lấy lại bảng công thức rắc rối ấy sau khi liên hệ với một công ty chịu trách nhiệm sản xuất thứ “nước màu đỏ kì diệu”.
Không chỉ có công thức mới phải “giấu kĩ” kĩ lưỡng, ngay đến cả các nguyên liệu cơ bản đôi khi cũng nằm trong vòng “bảo mật”. Như công ty Monsanto (công ty nông nghiệp khổng lồ của Mỹ) đã chi đến hàng tỉ USD trong việc nghiên cứu cách thức biến đổi gen thực phẩm như ngô, lúa mì, lúa mạch, v.v... phục vụ cho từng nhu cầu khác nhau.
Google
Google là một trong những công ty dẫn đầu về công nghệ trên thế giới. Thuật toán tìm kiếm mà Google sử dụng cho công cụ tra cứu của mình là một thành công không thể phủ nhận. Nói không quá thì chính thuật toán này đã góp phần đưa Google vươn tới đỉnh cao như ngày hôm nay.
Khác với công thức truyền thống của KFC hay Coca-Cola, thuật toán của Google được nâng cấp khá thường xuyên nhằm đáp ứng với những xu hướng công nghệ mới. Và chắc chắn Google không bao giờ để “những con số” kiếm ra tiền ấy rơi vào tay kẻ khác!
Apple
Trong giới công nghệ, hãng Apple cũng là một trong những “tay chơi” có hạng trong việc “giữ mồm, giữ miệng”. Chẳng ai biết một tí thông tin chính xác nào về Iphone5 hay các đời tiếp theo của Ipod, Ipad nếu như người đó không phải là một nhân viên cấp cao của Apple.
Apple thành công ở chỗ biết cách tạo và “nuôi” những tin đồn về sản phẩm của mình. Theo thời gian, trí tò mò của người tiêu dùng càng tăng thì sản phẩm mới của họ khi ra mắt càng “hot”.
Các phần mềm diệt Virus
Với rất nhiều “hiểm họa” khác nhau dành cho chiếc máy tính thân yêu khi lướt net. Một loạt những công tuy sản xuất phần mềm diệt Virus danh tiếng như Symantec, McAfee hay Kaspersky đều đưa ra những lời quảng cáo đại loại như “bạn sẽ được bảo vệ tuyệt đối khi sử dụng sản phẩm của chúng tôi”. Nhưng họ đâu có “trình bày” sẽ bảo vệ ra sao đâu?
Điều cốt lõi ở đây là họ không bao giờ muốn công ty đối thủ “ăn cắp” ý tưởng của mình, vì thế nên sẽ chẳng bao giờ bạn được nghe “trình bày” tỉ mỉ về cách thức làm việc của các phần mềm ấy đâu.