Chắc hẳn ai cũng biết đến chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh mang thương hiệu McDonald's với logo là chữ M màu vàng cuốn hút.
Một cửa hàng của McDonald.
Câu chuyện của McDonald's bắt đầu từ khoảng 50 năm trước đây ở San Bernadio, bang California, miền Tây nước Mỹ.
Khi đó có một người đàn ông đã gần 52 tuổi tên là
Raymond Albert Kroc đang làm nghề tiếp thị cho một cửa hàng bán máy sinh tố. Vào một ngày,
Ray Kroc "trúng mánh" khi nhận được đơn hàng đặt mua đến hàng chục chiếc máy xay sinh tố của anh em nhà
Richard và
Maurice McDonald. Vui mừng vì bán được hàng nhưng ông cũng không kém phần tò mò nữa.
Biết được lý do anh em họ mua nhiều máy xay để mở cửa hàng đồ ăn nhanh, Ray Kroc liền thu xếp tới thăm. Ông cảm thấy ấn tượng với cửa hàng này. Trông tuy nhỏ nhưng lượng khách xếp hàng lại rất đông, dài tới hơn 20 mét.
Khi ăn thử bánh hamburger, Ray Kroc thấy rất ngon, mà giá cả lại phù hợp. Tiếp tục quan sát kỹ hơn, Raymond thấy hai anh em nhà McDonald tổ chức chế biến và phục vụ có vẻ rất chuyên nghiệp.
8 hàng máy xay sinh tố, mỗi hàng 5 chiếc có thể pha sinh tố sữa cho 40 cốc một lúc. Thịt rán cũng làm hàng chục miếng một. Cốc, đĩa dùng phục vụ đều là bằng giấy nên không mất công người dọn và nhất là công đoạn rửa.
Khi trở về nhà, một ý tưởng bất ngờ nhưng vĩ đại đã loé lên trong đầu Ray Kroc. Tại sao ông không hợp tác cùng anh em nhà McDolnald để mở ra nhiều cửa hàng tương tự như thế? Nghĩ là làm, ngay lập tức, Ray Kroc đã bắt tay vào thực hiện ý nghĩ mới lạ nhưng đầy tham vọng của mình.
Với tài ăn nói khéo léo của một người bán hàng và tiếp thị lâu năm, ông đã thuyết phục được hai anh em Richard và Maurice McDonald nhượng lại quyền sử dụng tên thương hiệu McDonald’s cũng như hệ thống ăn nhanh của mình, bù lại hai anh em nhà McDonald vẫn sẽ được hưởng 1% doanh số bán hàng của các cửa hàng này. Và công ty McDonald’s System Inc. do Ray Kroc điều hành đã được thành lập như thế.
Ray Kroc nhanh chóng bắt tay vào phát triển mô hình với một triết lí kinh doanh của riêng mình. Ngày 2/3/1955, nhà hàng ăn nhanh McDolnald’s đầu tiên do Ray Kroc mở được khai trương ở De Plaines, Illinois.
Sau đó, ông vận động người nhà, họ hàng và bạn bè thân thiết, mỗi người làm chủ một cửa hàng để đồng loạt cho ra đời những nhà hàng McDolnald’s lớn nhỏ khác nhau nhưng y hệt nhau về cách thức tổ chức, sản phẩm, hình thức, màu sắc biển hiệu. Kỳ tích kinh ngạc về sự ra đời của ngành công nghiệp ăn nhanh do McDolnald’s khởi xướng bắt đầu thật sự từ đó.
Một trong những cửa hàng đầu tiên của McDonald's.
Với tốc độ phát triển cực nhanh, hệ thống các cửa hàng McDonald’s bán được hơn 100 triệu chiếc bánh hamburger trong vòng 3 năm đầu tiên và cửa hàng McDonald's thứ 100 được khai trương chỉ 4 năm sau đó, năm 1959.
Năm 1961, Ray Kroc đã có một quyết định táo bạo là mua lại chính phần quyền lợi 1% doanh thu đã thoả thuận trước kia. Sau nhiều lần thương thuyết, anh em McDonald đã đồng ý nhận 2,7 triệu USD để Ray Kroc một mình làm chủ cái tên McDonald’s và hưởng toàn quyền lợi tức của hệ thống cửa hàng.
Nếu như quyết định trên của Ray Kroc được coi là một trong những quyết định kinh doanh vĩ đại nhất thì ngược lại đối với anh em McDonald lại là cả một sự sai lầm lớn. Nếu không, ngày nay họ có thể nhận được tới trên 200 triệu USD từ 1% doanh thu của tập đoàn McDonald’s.
Và đến năm 1963, một sự kiện lớn đã diễn ra, khi McDonald’s tuyên bố họ đã bán được chiếc bánh hamburger thứ một tỉ. Sự kiện này đã được truyền hình trực tiếp trên tivi vào giờ quảng cáo cao điểm tại thời điểm đó.
Ngày nay, McDonald’s đã trở thành một trong những hệ thống cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. Nó không chỉ phổ biến ở trong nước Mỹ mà còn nhanh chóng đạt được những thành công trên thị trường quốc tế như Canada, Nhật Bản, Úc và Đức. Có thể nói, dù khởi đầu chỉ là một hiện tượng của nước Mỹ nhưng hiện nay McDonald’s đã thực sự trở thành một thương hiệu quốc tế đích thực.
Vậy đâu là bí quyết thành công để McDonald’s có được vị thế như ngày hôm nay?
Bí quyết thành công của McDonald’s
Đầu tiên phải kể đến mô hình kinh doanh franchise nổi tiếng của tập đoàn McDonald’s. Mô hình này nói nôm na chính là việc nhượng quyền kinh doanh gần như hoàn toàn cho những người chủ cửa hàng. Những người chủ này có thể tự chọn cho mình các hoạt động quảng cáo, marketing thích hợp với địa bàn, vị trí của mình.
Một ví dụ rõ nhất là bánh sandwich File-O-Fish, được làm bởi Lou Groen, chủ cửa hàng chi nhánh ở Cincinati, khu vực tập trung phần lớn người theo đạo Thiên Chúa giáo. Groen nhận thấy công việc kinh doanh của mình hoạt động không tốt vào các ngày thứ 6 – ngày mà người theo đạo Thiên Chúa Giáo không ăn các món có thịt.
Groen đã đưa ra món bánh sandwich nhân cá, đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương. Loại bánh sandwich “Filet-O-Fish” này được bán đầu tiên năm 1963 và đã nhanh chóng trở thành một món trong thực đơn được ưa thích ở tất cả các cửa hàngMcDonald’s khắp thế giới.
Hay một ví dụ nữa là vào năm 1968 khi Big Mac - món bánh sandwich thành công nhất của McDonald được làm bởi nhà hàng của Jim Deligatti ở thành phố Pittsburg.
Thành công của McDonald’s cũng gắn liền với một chiến dịch marketing hiệu quả và được đầu tư đúng mức. Giống như Ray Kroc đã nói: “Có một thứ đóng vai trò cơ bản dẫn đến thành công của chúng tôi, giống như chiếc bánh hamburger. Và thứ đó chính là marketing, một nét đặc trưng của McDonald’s. Nó lớn hơn bất kỳ con người hay sản phẩm nào mang tên McDonald’s”.
McDonald's còn rất thành công khi liên kết với hãng CocaCola.
Theo ông, quảng cáo tất nhiên không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn tới thành công nhưng cũng không thể tách nó ra được. Cho tới tận bây giờ, số tiền đầu tư vào quảng cáo và khuyến mãi của McDonald’s luôn chiếm một tỉ lệ cố định trong doanh thu của các cửa hàng.
Tận dụng nhà chờ xe bus để quảng cáo cho mình.
Đột phá đáng kể tiếp theo của McDonald's chính là việc khai trương nhà hàng ở Sierra Vista năm 1975 mà khách hàng tới mua đồ ăn không phải đi xuống khỏi xe ô tô, loại hình này gọi là take-away.
Ý tưởng trên cũng xuất phát từ nhu cầu giải quyết khó khăn về việc bán hàng trong khu vực đó, khi mà ở căn cứ quân đội gần đó không cho phép quân nhân xuống xe khi mặc quân phục. Và ý tưởng này đã thành công ngay lập tức. Và ngày nay, việc kinh doanh các cửa hàng McDonald's nhờ ý tưởng trên đã chiếm hơn một nửa công việc kinh doanh của họ.
Ngoài ra, Ray Kroc cũng rất quan tâm đến việc công nghiệp hoá các công đoạn sản xuất. Ông chủ hãng McDonald’s đặc biệt chú ý đến các yếu tố: chất lượng dịch vụ và vệ sinh và khẳng định đó là lợi thế quan trọng nhờ công nghiệp hoá.
Ông còn đầu tư cả một phòng thí nghiệm ở Chicago chuyên kiểm tra đánh giá chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhờ đó mà McDonald's có thể phục vụ khách hàng với chất lượng thức ăn tốt nhất. Các nguyên liệu thô để chế biến đồ ăn đều được đặt mua từ các nhà cung cấp trong một thời gian dài. Đồ ăn được chuẩn bị theo tiêu chuẩn cao và nhất quán. Các thực đơn của McDonald's luôn luôn được xem xét và cải thiện để chắc chắn thoả mãn được sự mong đợi của khách hàng.
Qua đời vào ngày 14 tháng 1 năm 1984 khi đã 84 tuổi, Ray Kroc đã để lại cho các thế hệ tiếp quản McDonald's về sau một nền tảng kinh doanh vững chắc và quan trọng hơn cả là một thương hiệu đã "ăn sâu" vào đời sống của nhiều người.
Có thể nói, với một bề dày lịch sử cùng với những chính sách kinh doanh hết sức đúng đắn và hiệu quả, coi trọng khách hàng đến như vậy, chắc chắn rồi đây thương hiệu McDonald’s vẫn sẽ còn tiến xa.
Cuối cùng là Fun Fact tí nhỉ
- McDonald’s phục vụ khoảng 45 triệu người mỗi ngày trên toàn thế giới - với doanh thu trên 20 triệu đôla ở nước Mỹ và hơn 25 triệu đôla ở toàn bộ các nước khác.
- Cứ cách nhau 8 tiếng lại có thêm một cửa hàng McDonald’s được khai trương ở đâu đó trên thế giới.
- Trung bình ngày có khoảng 8% thanh niên Mỹ đến ăn ở McDonald’s.
|