Những cột trụ đá sừng sững trên núi như kim tự tháp khiến Djavolja Varos nổi tiếng với những truyền thuyết về "thị trấn của Quỷ dữ" (Devil's Town).
Sự biến đổi của địa chất và nguồn nước, tiếng rền rĩ của gió thổi qua các cột trụ đá mang lại cảm giác mê hoặc và kỳ bí cho những ai đã từng đặt chân tới đây.
Đất nước Serbia nằm trên phần phía Nam của đồng bằng Pannonia và phần trung tâm bán đảo Balkan. Djavolja Varos được biết đến với cái tên "thị trấn của Quỷ dữ" nằm ở sườn dốc phía Nam của dãy núi Radan gần vùng Kurêumlija.
Vùng núi này mang hình thù kỳ lạ, được mô tả như những cột trụ Trái đất với cấu tạo về địa chất chưa được xác định cụ thể nguồn gốc.
Những hình thù kỳ lạ đó là kết quả của sự xói mòn, đẽo gọt qua hàng thiên niên kỷ. Trên diện tích 4.300m2 là nơi tọa lạc của hơn 200 “kim tự tháp” cao từ 2 - 15m và chân tháp rộng 4 - 6m. Độ cao của cả khu núi đá này là từ 700 - 720m.
Hầu hết những cột đá này đều “đội” trên đầu một chiếc mũ nhỏ như để chống lại sự xói mòn. Theo lời kể của người dân địa phương, trước đây, khi những trận xói mòn xảy ra, những cột đá sẽ bị bào mòn và tan ra nhanh chóng, nhưng không lâu sau, chúng sẽ khôi phục lại hình dạng như ban đầu.
Sự biến đổi không ngừng của những khối đá và địa chất đã truyền cảm hứng cho người dân địa phương và họ đặt tên cho vùng đất này là "thị trấn Quỷ dữ".
Cũng có người cho rằng, những cột đá này hình thành bởi cuộc chiến của các con quỷ. Khi những cơn gió thổi qua các kẽ hở, tạo nên tiếng hú, rít lên, lúc thì thầm như tiếng ma kêu quỷ khóc làm kinh hãi nhiều người.
Và cũng từ đấy, những câu chuyện huyền thoại về các con quỷ bắt đầu truyền miệng từ người này qua người khác.
Một truyền thuyết kể lại rằng, cách đây nhiều thế kỷ, khu vực này có nhiều người dân sùng đạo sinh sống nhưng thân phận thấp kém.
Sự xuất hiện của họ làm lũ quỷ khó chịu nên chúng đã tạo ra nước “quỷ” xung quanh thành phố khiến người dân nơi đây khi uống phải sẽ quên đi tổ tiên, họ hàng của mình.
Sau thời gian sử dụng nguồn nước, những người bị đầu độc đã quyết định sắp xếp một cuộc hôn nhân giữa người anh trai - em gái. Một bà tiên - người trị vì và bảo vệ vùng đất đã ngăn cản đám cưới nhưng không ai đếm xỉa đến lời bà.
Vì vậy, bà đã thỉnh cầu Chúa để ngăn chặn tội loạn luân nhưng Chúa đã đáp lại lời thỉnh cầu đó bằng cách biến cô dâu, chú rể và tất cả các quan khách dự lễ cưới hóa thành đá. Những âm thanh ghê rợn chính là tiếng rên la của những vị khách đã dự lễ cưới mong thoát khỏi nhà tù đá.
Thêm vào đó, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nguồn nước khoáng tự nhiên mà lượng khoáng chất chứa trong nước cao gấp nghìn lần so nước thường.
Trùng hợp là nhờ chứa lượng khoáng chất cao nên nguồn nước này có màu đỏ - màu của máu. Do đó, cái tên "làng Máu" (Village of Blood) xuất hiện, tăng thêm phần ly kỳ, sống động cho những câu chuyện về quỷ nơi đây.
Vào năm 2002, Djavolja Varos đã được UNESCO công nhận là một trong những thành phố có số lượng khách du lịch tới tham quan nhiều nhất trên thế giới. Năm 2009, nó được xếp hạng trong danh sách Bảy kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng thế giới.
Sự biến đổi không ngừng của những khối đá và địa chất đã truyền cảm hứng cho người dân địa phương truyền nhau những câu chuyện kỳ bí về lũ quỷ. "Thị trấn của Quỷ dữ" và "làng Máu" thực sự đã góp phần làm giàu thêm kho truyện dân gian của vùng đất Serbia giàu truyền thống.