Đi tìm cây ăn thịt chuột, tháp nghiêng Pisa thoát "Ngày Tận thế"

Lê Giang, Theo Mask Online 10:54 05/04/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Sử dụng cánh bướm làm nhiên liệu, biến rác nilon thành xe đua, ô tô tự động dành cho người mù...


Kinh hoàng cây ăn thịt chuột


Đây là một loài cây nắp ấm ăn thịt được tìm thấy trên các hòn đảo thuộc Java và Sumatra của Indonesia. Loài cây này có thể phát triển đến hơn 5m, với một chiếc “miệng” rộng khoảng 30cm. Khi con mồi bị hút vào, nó sẽ dần kiệt sức và bị chết đuối trong bầu tiêu hóa của cây. Sau đó, nó sẽ từ từ được hòa tan bởi các enzim tiêu hóa của cây.


Chúng thường có màu sắc bắt mắt để thu hút con mồi.

Trước đây, nhà thám thiểm thực vật học Stewart McPherson cùng Alastair Robinson đã phát hiện ra cây nắp ấm ăn loài gặm nhấm trên đỉnh núi Victoria ở Philippines. Nhóm nghiên cứu của ông cho biết đây hoàn toàn có thể là loài cây ăn thịt lớn nhất tại thế kỷ 21 mà chưa được biết đến.

Những con mồi của loài cây này thường là côn trùng và bao gồm cả động vật gặm nhấm như chuột… Những loài cây này gần đây không ngừng phát triển để có thể nuốt được những thứ lớn hơn. Chúng thường có màu sắc bắt mắt để thu hút con mồi.

Những động vật này sẽ từ từ được hòa tan bởi các enzim tiêu hóa của cây.

Những loài cây này cần có chất dinh dưỡng bằng cách bẫy và tiêu hóa động vật, chủ yếu là côn trùng. Điều này càng phổ biến hơn khi môi trường xung quanh thiếu các loại thức ăn cần thiết. Ở Philippines, loài cây này có màu xanh và màu tím, dễ dàng nhận ra trong thảm thực vật xung quanh.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Biến rác nilon thành xe đua


Các tổ chức bảo vệ môi trường phản đối việc sử dụng túi nilon bởi thời gian phân hủy của chúng trong môi trường tự nhiên có thể kéo dài tới hàng nghìn năm. Một số chính phủ đã cấm sử dụng túi nilon hoặc đánh thuế những người dùng chúng. Các cơ sở tái chế rác sẵn sàng nhận chai nhựa nhưng không thích túi nilon. Nhiều siêu thị, cửa hàng có chương trình thu hồi và tái chế túi nilon mà người tiêu dùng đã sử dụng, song điểm đến cuối cùng của phần lớn túi nilon vẫn là bãi rác.

Nhưng mới đây, các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge tại bang Tennessee (Mỹ) đã tìm ra một cách để biến polyethylene, một hợp chất hữu cơ trong túi nilon và các loại rác nhựa khác, thành sợi carbon với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau. Họ trộn polyethylene với axit polyactic - một hợp chất được chiết xuất từ bột ngô hoặc mía - rồi đưa hỗn hợp vào môi trường có nhiệt độ cao.


Sau đó, họ xe hỗn hợp thành những sợi có đường kính từ 0,5 tới 20 micromet. Mỗi bó sợi được nhúng vào bồn chứa axit. Phản ứng giữa các sợi với axit tạo ra một loại sợi màu đen có khả năng chống nhiệt (không bị chảy khi tiếp xúc với nhiệt độ cực cao).

Bằng cách thay đổi từng công đoạn trong quá trình tạo sợi màu đen, nhóm nghiên cứu có thể tạo ra sợi siêu bền với nhiều hình dạng khác nhau. Do là siêu nhẹ và siêu bền, các sợi đó có thể trở thành vật liệu để chế tạo vỏ và nhiều bộ phận của xe đua. Sự hiện diện của chúng sẽ làm giảm khối lượng của xe, nhờ đó tiết kiệm nhiên liệu và tăng tốc độ tối đa của xe.

(Nguồn tham khảo: Newscientist)

Sử dụng cánh bướm để tạo nhiên liệu xanh


Cánh bướm trước nay vẫn được xếp vào nhóm các vật liệu mỏng manh nhất trong tự nhiên. Mặc dù vậy, mới đây các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, cánh của loài côn trùng này có khả năng giúp tăng năng suất quá trình sản xuất hydro - một loại nhiên liệu xanh - từ ánh nắng Mặt trời và nước.


Theo Tiến sĩ Tongxiang Fan thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, một trong những công nghệ để sản xuất nhiên liệu hydro phổ biến là dùng ánh nắng để phân tách nước thành các nguyên tử hydro và oxy. Vì vậy, vật liệu hấp thu ánh sáng tốt hơn sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất hiệu quả hơn. Trong khi đó, theo nhà sinh vật học này, cánh bướm từ lâu đã được phát hiện là có vô số cấu trúc thu nhận ánh Mặt trời tí hon, giúp nó làm nóng cơ thể để chao liệng trên không. Vì thế, ông cho rằng cánh bướm biết đâu có thể trở thành loại vật liệu hữu ích cho quá trình sản xuất hydro.

Ê-kíp của tiến sĩ Fan bắt đầu dùng loài bướm đen châu Á - Papilio Helenus để nghiên cứu, vì màu đen được xem là có khả năng hấp thu ánh sáng tốt nhất. Các chuyên gia đã dùng phần cánh của nó để sản xuất ra titanium dioxide - một loại chất xúc tác dùng trong phản ứng tách nước. Kết hợp titanium dioxide vừa sản xuất với các phân tử nano platinum chuyên dùng, các chuyên gia nhận thấy hiệu suất tách nước thành hydro và oxy của ánh nắng đã thật sự tăng lên gấp đôi.

(Nguồn tham khảo: Sciencedaily)

Khủng long từng sống dưới nước


Một nghiên cứu mới nhất về khủng long được các nhà khoa học tuyên bố ngày 3/4 cho biết, khủng long từng là loài sống dưới nước. Giáo sư nghiên cứu Brian J Ford - thuộc Đại học Cambridge (Anh) cho biết, loài động vật đã tuyệt chủng này luôn có thân mình cồng kềnh, đặc biệt là chiếc đuôi rất dài và to. Chính kích thước và trọng lượng lớn của nó gây cản trở trong việc săn bắt mồi. Do đó, rất có thể, loài khủng long phải hoạt động dưới nước.

Giáo sư cũng tuyên bố rằng, điều này là hoàn toàn có thể bởi khi hoạt động trong môi trường đó, cơ thể chúng linh hoạt hơn, giảm trọng lượng để nhanh nhẹn khi bắt mồi. Hơn nữa, môi trường nước cũng chứa kho thức ăn cho loài động vật to lớn này.

Các nhà khoa học cho biết, việc khủng long sống dưới nước là hoàn toàn có căn cứ.

Nghiên cứu cũng nhận định, dù từ trước đến nay, các hóa thạch của loài khủng long thường được tìm thấy ở những vùng đất khô cằn nhưng điều đó không thể khẳng định hoàn toàn khủng long luôn sống trên cạn. Các vết tích còn lại cho thấy, đuôi khủng long thường vểnh lên cao, nghĩa là nó đã có cấu tạo cơ thể để thích nghi với môi trường nước, giúp chúng bơi lội nhanh. Ngoài ra, một số nghiên cứu trước đó cũng cho rằng, loài khủng long sống ở đầm lầy hoặc vùng nước cạn.

Mặc dù tuyên bố này chưa thể thuyết phục hết các nhà khoa học đến từ Bảo tàng lịch sử Thiên nhiên tại Anh, nhưng một số bằng chứng như loài khủng long Spinosaurus ăn cá và loài ăn thịt T-rex đang thúc đẩy các nhà khoa học sớm đưa ra kết luận cuối cùng.

(Nguồn tham khảo: Telegraph)

Ô tô tự động dành cho người mù


Hiện nay, chiếc “ô tô không người lái” đang trong giai đoạn thử nghiệm với lái xe là... một người khiếm thị. Tài xế chỉ việc mở cửa, ngồi vào vị trí và mở máy. Vô-lăng tự quay, tự điều chỉnh tất cả, tránh chướng ngại vật và đi theo đúng luật giao thông. Được cài đặt sẵn chương trình, nó sẽ đưa chủ nhân đi đến nơi về đến chốn. Chẳng hạn, bạn muốn đi ăn sáng hay mua sắm, nó sẽ đỗ đúng vị trí cần đến nhờ sự chỉ đường của hệ GPS. Ăn sáng hoặc mua sắm xong, chủ nhân lại lên xe để nó đưa về, bấm còi để cổng mở, tự chui vào ga-ra…


Theo số liệu của Công ty Google, trong thời gian thử nghiệm, chiếc xe này đã đi được trên 200 nghìn dặm (khoảng 320.000km). Tất nhiên, để làm được những công việc như vậy, chiếc ô tô không người lái phải là một kỳ quan của kỹ thuật hiện đại. Nó được trang bị nhiều camera, máy laser, các bộ cảm biến, radar và rất nhiều thiết bị khác nữa, cho phép chiếc ô tô có thể “nhìn” thấy tất cả, đồng thời có thể xử lý nhanh chóng các tình huống mà nó gặp phải trong quá trình vận hành.

Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thiết kế liên tục “dạy dỗ” đứa con của mình làm sao cho nó thông minh hơn trước những việc cần được xử lý (bổ sung vào chương trình đã cài đặt). Như ta thấy trong clip, phương tiện giao thông này đạt được mức độ an toàn rất cao và những người mù có thể yên tâm giao phó tính mệnh cho nó đưa mình đi đến nơi này nơi khác.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Pisa thoát "Ngày Tận thế", đón năm mới 2013


Hàng nghìn người dân đến tháp nghiêng Pisa, thành phố Pisa, Tuscany, nước Ý cuối tháng Ba vừa qua để đón Năm mới. Đây là nơi đầu tiên trên thế giới đón năm 2013 và thoát khỏi "Ngày Tận thế" được cho vào 21-12-2012. Vì sao lại vậy nhỉ???


Tuscany là vùng đất rộng nằm ở trung tâm nước Ý. Thành phố Pisa thuộc Tuscany có lịch sớm hơn lễ Giáng sinh 9 tháng. Sự kiện này ra đời chính là để đánh dấu việc Đức Mẹ Maria bắt đầu mang thai Chúa Jesus. Theo truyền thống, Năm mới tại Tuscany bắt đầu từ 12 giờ trưa 25/3, thời điểm ánh sáng Mặt trời chiếu qua cửa giáo đường tháp nghiêng Pisa, phản lên một tấm bia đá cẩm thạch hình quả trứng. Người ta cho rằng, đây là dấu hiệu của sự sinh sôi nảy nở và mùa xuân của năm mới bắt đầu.

Theo giáo sư Fabrizio Franceschini thuộc trường Đại học Pisa, vào thế kỷ thứ 10, Pisa có đoàn thuyền hùng mạnh thuộc Địa Trung Hải. Việc khu vực này có lịch riêng chính là một biểu hiện của quyền lực. Lịch của khu vực Pisa lần đầu tiên được biết đến từ năm 985 và ảnh hưởng mạnh tới cả khu vực Tuscany. Ở Tuscany, mọi người sử dụng lịch cổ đại tương tự lịch của Florentine (bắt đầu năm mới vào ngày 25/3) nhưng lịch ở Florentine chậm hơn Pisa một năm. Người dân Pisa rất tự hào bởi họ may mắn được đón năm mới sớm nhất trên thế giới. Hơn nữa, họ còn cảm thấy may mắn vì đã “sống sót” qua ngày tận thế như đồn đại, tức ngày 21/12/2012. Dario - người dân thành phố Pisa chia sẻ, “Thật vui bởi chúng tôi đã bước sang năm mới 2013 trong khi trên thế giới vẫn còn đang lo lắng về Ngày Tận thế”.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày