Theo các nhà khoa học Mỹ, một vụ nổ cực lớn đã xảy ra trên Mặt trời vào ngày 10/9 vừa qua. Vụ nổ này đã gửi một
siêu bão Mặt trời hướng thẳng đến Trái đất và có thể sẽ đổ bộ trong một vài ngày tới.
Các chuyên gia tại Trung tâm Dự báo thời tiết vũ trụ ở Boulder, Colorado cho biết, cơn bão đang di chuyển về phía Trái đất với tốc độ trung bình khoảng 2,5 triệu mph (tương đương 4,02 triệu km/h). Nếu tốc độ này không thay đổi, siêu
bão Mặt trời này sẽ tới Trái đất sớm nhất vào ngày 12/9.
Tom Berger - Giám đốc Trung tâm Dự báo thời tiết vũ trụ Mỹ cho biết: "Vụ nổ mạnh ở trên Mặt trời đã gây ra cơn bão Mặt trời lớn - đây là mối đe dọa với Trái đất".
Dựa vào các số liệu phân tích, các chuyên gia dự đoán, siêu bão này sẽ lướt qua Trái đất và không gây quá nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, do tác động tới từ trường Trái đất, cơn bão này có thể đánh sập một số lưới điện, hệ thống truyền tải vệ tinh và sóng phát thanh, radio, TV...
Bão Mặt trời là một phản ứng nổ cực lớn trên Mặt trời, xảy ra khi năng lượng lưu trữ trong các trường điện tích (thường ở trên vệt đen Mặt trời) đột nhiên được giải phóng.
Những hạt điện tích electron và proton mang năng lượng cao được giải phóng ra từ Mặt trời, di chuyển với vận tốc cực lớn cỡ 1 triệu km/h tới các hành tinh xung quanh.
Khi đổ bộ xuống Trái đất, những hạt điện tích của Mặt trời sẽ di chuyển với tốc độ 400 - 700km/s, gây ra sức ép lớn lên từ trường Trái đất. Quá trình tương tác này sẽ gây ra một cơn bão từ lớn. Điều này gây ra tăng sự đột biến của dòng điện, gây mất điện trên diện rộng.
Theo các chuyên gia, trung bình cứ 200 năm mới xảy ra một trận siêu bão Mặt trời. Tuy nhiên, sau khi phân tích các số liệu về bão Mặt trời trong 50 năm qua, giới chuyên gia dự báo, khả năng Trái đất đón một siêu bão Mặt trời trong một thập kỷ tới là 12%. Các nhà nghiên cứu cố gắng tính toán để tìm ra phương án dự đoán và giải pháp tối ưu nhất giải quyết vấn đề này.
Do các hạt điện tích di chuyển theo đường cảm ứng từ hình xoắn ốc càng đi sâu vào khí quyển càng tạo nhiều màu sắc khác nhau nên chúng ta có thể được chiêm ngưỡng hiện tượng cực quang trên bầu trời, nhất là ở hai cực Bắc - Nam.
(Nguồn: Independent, USA Today)