Cận cảnh trẻ em bị bóc lột lao động ở mỏ than Ấn Độ

Việt Anh, Theo Mask Online 00:00 25/05/2012

Giá thuê nhân công trẻ em cực rẻ mạt nhưng đủ hấp dẫn những đứa bé ngây thơ bỏ học để đi làm, nhất là ở vùng dân trí còn chưa cao.

Vấn nạn lao động trẻ em đang ngày càng trở nên nhức nhối trên toàn cầu. Xã hội ngày càng phát triển, đáng lẽ ra trẻ em phải có nhiều cơ hội đến trường, vui chơi, sống hạnh phúc bên gia đình và bạn bè. Thế nhưng, đâu đó tại các quốc gia đang phát triển vẫn còn tồn tại những cảnh ngộ, câu chuyện thương tâm về bóc lột sức lao động trẻ em.

Hai nhiếp ảnh gia Daniel Berehulak và Mark Magnier đã “đột nhập” vào tận các mỏ khai thác than ở phía Bắc bang Meghalaya, Ấn Độ, ghi lại những hình ảnh cảm động về cuộc sống, công việc của các công nhân mà trong đó, có những cậu bé chỉ độ 8 tuổi.


Mặc dù việc sử dụng lao động trẻ em bị cấm tại đây nhưng những kẻ hám lợi vẫn tận dụng các kẽ hở của pháp luật để thuê công nhân. Ngoài việc thuê các công nhân trong độ tuổi lao động, bọn họ còn lách luật để thuê trẻ con ở độ tuổi từ 8 - 13 vào làm việc.


Để thu được lợi nhuận tối đa, hầu hết các mỏ than đều sử dụng những trang thiết bị khai thác cực kì thô sơ, không hề có bảo hiểm và chăm sóc y tế. Công nhân phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, thiếu thốn ở những con đường hầm sâu tới 3.000 feet (khoảng 900m) dưới lòng đất.


Giá thuê nhân công trẻ em cực rẻ mạt nhưng đủ hấp dẫn những đứa bé ngây thơ bỏ học để đi làm, nhất là tại ở vùng dân trí còn chưa cao, nhận thức yếu.


Hình ảnh tại mỏ than Ladrymbai, ảnh chụp một cậu bé đang đội thúng than đem ra máy để nghiền nát.



Những thúng than thô này đang được công nhân vận chuyển tới khâu tiếp theo trong dây chuyền khai thác. Họ phải đi trên một cây cầu gỗ nhỏ chênh vênh, dễ dàng sập gãy bất cứ lúc nào.


Với mỗi ngày công lao động vất vả, họ được trả 5 USD (khoảng 100.000 đồng) trong tổng số 8.000 USD (khoảng 160 triệu đồng) mà chủ mỏ kiếm được từ những đống than khai thác như trong ảnh. Hình ảnh cậu bé Chhai Lyngdoh (14 tuổi) đang đổ than từ miệng thùng chứa khổng lồ.


Thợ mỏ 8 tuổi tên Fight này phụ trách việc xúc than tại mỏ Jaintia Hills. Hình ảnh trên gợi cho người xem nhiều suy ngẫm về hệ thống giáo dục nơi đây: Mặc dù chính quyền đã miễn phí tiền học song chính sách này không đủ sức thuyết phục các gia đình cho con em mình tới trường. Trong suy nghĩ của họ, trẻ em chính là một nguồn lao động đem lại thu nhập đáng kể cho gia đình.

Khuôn mặt đen vì bụi than của chú bé Abdul Kayum (12 tuổi) đang vác thúng than trên đầu. Không phương tiện bảo hộ lao động, những công nhân ở đây, đặc biệt là trẻ em có nguy cơ bị tai nạn và khả năng nhiễm các bệnh hô hấp rất cao.


Chủ mỏ vì muốn tiết kiệm chi phí đào đường hầm mà vẫn đạt được hiệu quả làm việc nên những đường hầm trong mỏ rất bé, chỉ đủ vừa 1 người chui. Hậu quả là có rất nhiều vụ sập hầm mỏ than khi đang khai thác xảy ra hàng năm, gây nên những thảm kịch đầy thương tâm.

Làm việc trong các hầm mỏ như thế này thực sự là một cực hình. Trên đây là hình ảnh Anil Basnet, một thanh niên đang gồng mình kéo chiếc xe chất đầy than lên từ hầm mỏ Ladrymbai.


Cận cảnh khuôn mặt Anil Basnet: đen nhẻm vì bị dính bụi than nhưng đôi mắt tươi sáng vẫn ánh lên nụ cười.


Những thợ mỏ được cần cẩu đưa ra khỏi hầm để ăn trưa. Đằng sau bức ảnh là khung cảnh hoang tàn rộng lớn bị tàn phá vì khai thác than bừa bãi, không có trang thiết bị đủ hiện đại.


Những chiếc cần cẩu dùng để kéo thợ mỏ lên nghỉ trưa đôi khi cũng không hoạt động. Trên đây là cảnh một thợ mỏ đang cố sức gọi người ở trên kéo anh ta lên. Hầu hết những chiếc cáp treo được sử dụng ở mỏ đều đã cũ, không còn đủ đảm bảo chắc chắn sự an toàn cho thợ mỏ.


Toàn cảnh mỏ than rộng lớn Ladrymbai, than đã khai thác được dồn thành đống, đang chờ chất lên xe tải. Bầu trời u ám gợi lên tương lai xám xịt của những lao động trẻ em nơi đây nói riêng và tất cả thợ mỏ nói chung.


Ở những mỏ than như thế này, công nhân làm việc không theo quy định thời gian của nhà nước mà hoàn toàn do sự điều khiển của chủ mỏ. Các công việc mang vác nặng là một trong những vấn đề cản trở sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em nơi đây.


Làm việc ở các mỏ than như thế này còn gây ra nhiều tệ nạn xã hội và tất yếu những đứa trẻ rất dễ bị sa ngã vào con đường bạo lực, cờ bạc, rượu chè, ma túy....


Đáng buồn hơn, những mỏ than lại nằm ngay sát bên cạnh khu vực dân cư. Điều này dễ cám dỗ các em, thay vì đến trường học, chúng sẽ lân la tới những mỏ than để làm việc, kiếm tiền. Nhưng các em đâu biết rằng, đó là cạm bẫy nguy hiểm, hủy hoại tương lai tươi sáng của bản thân.



Khu dân cư xung quanh mỏ than là nơi sinh sống chủ yếu của người dân nghèo và thợ mỏ. Cuộc sống ở đây tồi tàn, tạm bợ và luôn bị “khuấy động” trong đêm bởi hàng loạt đợt xe chở than đi ra từ mỏ.


Hình ảnh chiếc xe tải than đi qua thị trấn dân cư gần mỏ Ladrymbai. Việc những chiếc xe trọng tải lớn liên tục đi qua như thế này không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới cơ sở hạ tầng giao thông, mà còn đe dọa đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương.


Cô bé Kala Rai (13 tuổi) trong một lớp học tiếng Anh tại trường Biateraim Presbyterian Church. Nhìn khuôn mặt ngây thơ vô tội của cô bé, nào ai biết rằng cô đã từng làm việc 6 tháng trong mỏ than Ladrymbai trước khi quay trở lại trường học.


Ở Việt Nam, Luật Lao động quy định: "Người lao động là người ít nhất đủ 15 tuổi, có khả năng lao động và có giao kết hợp đồng lao động" (Điều 119).

Trường hợp người sử dụng lao động vi phạm các quy định về sử dụng lao động vị thành niên thì bị xử phạt cụ thể như sau:

* Phạt tiền 200.000đ nếu "khi quyết định những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em mà không tham khảo ý kiến đại diện những người lao động nữ theo quy định tại khoản 1, Điều 118 của Bộ Luật Lao động" (Điều 7, khoản 3 Nghị định 38/CP).

* Phạt tiền 1.000.000đ nếu "sử dụng người chưa thành niên làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành được quy định tại Điều 121 của Bộ Luật Lao động" (Điều 9, khoản 6 của Nghị định 38/CP).

Ngoài ra còn bị coi là tình tiết tăng nặng nếu "xâm phạm quyền, lợi ích của người lao động chưa thành niên - xúi giục, lôi kéo người chưa thành niên vi phạm. (Điều 4, khoản 4:5 của Nghị định 38/CP).

Nếu có một tình tiết tăng nặng, tăng gấp ba mức phạt theo quy định.