Cuộc sống ở đất nước Mặt trời mọc diễn ra vô cùng hối hả, tấp nập. Chính vì vậy, những hộp cơm mua sẵn là sự lựa chọn tuyệt vời đối với những người không có nhiều thời gian.
Bạn có tò mò công việc "đóng cơm hộp" này như thế nào không? Và liệu rằng, đây có phải là công việc "việc nhẹ lương cao" hay không? Hãy cùng tìm hiểu ngay thôi!
Từ nguồn gốc ra đời của những hộp cơm tiện lợi...
Ít ai ngờ, dù là hộp cơm được bày bán trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhưng mỗi hộp cơm này đều được trình bày vô cùng đẹp mắt và tinh tế. Bởi vậy, sẽ không sai khi nói rằng, những hộp cơm tiện lợi này có nguồn gốc từ bento - món cơm hộp truyền thống của người Nhật Bản, có từ thế kỉ XVII - khi vị lãnh chúa Oda Nobunaga nuôi quân của mình bằng những hộp cơm đạm bạc.
Từ sự kiện này, những người nội trợ trong gia đình Nhật học hỏi cách làm đơn giản mà tiện lợi của món ăn này để chuẩn bị đồ ăn cho người thân mỗi khi ra khỏi nhà. Rồi không biết từ bao giờ người ta gọi món ăn đó là Bento (trong tiếng Nhật, Bento hay Bentou có nghĩa đơn giản là cơm hộp).
Nhưng vì nhiều người không có đủ thời gian để chuẩn bị cơm hộp cho mình nên những hộp cơm tiện lợi đã ra đời. Có cầu ắt có cung, không lâu sau, nghề đóng cơm hộp xuất hiện vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ XX.
Đặc biệt hơn, đây cũng là thời điểm xuất hiện lò vi sóng. Có lẽ chính bởi vậy mà nhiều người tin rằng, tính năng hâm nóng thực phẩm tại chỗ của thiết bị này mà người Nhật xưa đã nảy ra ý tưởng bán cơm hộp trong các cửa hàng tiện lợi.
Cửa hàng đầu tiên kinh doanh mặt hàng này là Hokka Hokka Tei. Ngày nay, Hokka Hokka Tei đã trở thành chuỗi cửa hàng bán cơm hộp đóng sẵn lớn nhất Nhật Bản với hơn 2.000 chi nhánh.
... Đến quy trình và nghề đóng gói cơm hộp đầy thú vị
"Đóng cơm hộp" là một trong những công việc làm thêm hấp dẫn ở
Nhật Bản hiện nay với mức lương khá cao. Hơn thế nữa, công việc cũng không yêu cầu phải có kinh nghiệm hay bằng cấp.
Công việc tại các nhà máy làm cơm hộp thường bắt đầu vào lúc 10 giờ đêm. Việc đầu tiên người ta phải làm khi đến nhà máy đó là thay quần áo và rửa tay bằng xà phòng.
Do tiêu chuẩn vệ sinh trong dây chuyền chế biến thực phẩm tại Nhật cực kỳ gắt gao nên bạn buộc phải tuân thủ những quy định này.
Sau khi thay trang phục và rửa tay, họ sẽ phải đi qua một căn buồng bao gồm các hệ thống khử trùng để làm sạch bụi bặm trên quần áo. Một hạt bụi hay một sợi tóc nhỏ cũng không được phép lọt vào trong dây chuyền chế biến.
Các công nhân tại nhà máy sẽ được chia thành từng nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm một tổ trưởng chịu trách nhiệm giải thích và hướng dẫn việc cho mọi người. Những người mới vào thường sẽ được phân công làm công việc đơn giản như nắm cơm hoặc rưới nước sốt.
Công đoạn chính tại khu vực bên trong nhà máy là chế biến thức ăn. Những đầu bếp chính của nhà máy sẽ phụ trách việc này. Thức ăn sau khi được nấu chín sẽ được chuyển từ nhà bếp ra ngoài để bắt đầu công đoạn đóng hộp trên dây chuyền.
Tại đây mỗi người sẽ bắt đầu làm những công việc khác nhau tùy vào vị trí được phân công trên dây chuyền. Họ sẽ phải làm việc như những cỗ máy, lấy thức ăn ở phía trên và đặt vào từng hộp cơm đang chạy qua trước mặt.
Thao tác nhanh gọn và chính xác là điều bắt buộc ở đây, vì chỉ cần chậm trễ hoặc sai sót một chút thôi là sẽ ảnh hưởng đến tốc độ của toàn bộ dây chuyền.
Mặc dù không có nội quy cấm trò chuyện trong dây chuyền, nhưng ai cũng tập trung hết sức vào công việc của mình để tránh sai sót.
Vậy nên, bầu không khí tại đây thường được mọi người mô tả là
"hầu như chỉ có tiếng máy móc chứ không có tiếng nói". Chính vì vậy đây là công việc ưa thích của những người ít nói hoặc mắc bệnh ngại tiếp xúc với đám đông.
Những hộp cơm sẽ đi qua từng công đoạn một trên dây chuyền trước khi được đóng gói ở điểm cuối cùng. Sau khi kiểm tra chất lượng lần cuối, chúng sẽ được dán nhãn mác rồi đưa ra xe, vận chuyển đến những cửa hàng tiện lợi.
Mỗi dây chuyền đều tự động đếm số hộp cơm được hoàn thành và sau một số lượng nhất định, các công nhân sẽ được nghỉ giải lao khoảng 15-20 phút trong lúc chờ thức ăn mới được đưa lên.
Các công đoạn sẽ tiếp tục được lặp đi lặp lại cho đến khi hoàn thành đủ số lượng hộp cơm, thường là vào khoảng 4-5 giờ sáng.
Công đoạn cuối cùng chính là rửa sạch các dụng cụ nấu và đựng thức ăn. Toàn bộ dụng cụ sẽ được rửa bằng nước nóng.
Giống như hầu hết các công việc làm thêm khác ở Nhật, lao động sẽ được trả lương ngay sau mỗi ca làm. Nhiều người cho rằng, mức lương được trả khá hấp dẫn - 1.000 Yen/h (khoảng 180.000VND/h) cộng với trợ cấp ban đêm 25%.
Độ tuổi của những người trong nghề này cũng rất đa dạng: từ 20 đến 55 tuổi. Dù vậy, họ cần có sức khỏe tốt để có thể làm việc đều đặn trong một thời gian dài. Rất nhiều người cho biết họ cảm thấy sức khỏe của mình giảm sút một cách rõ rệt chỉ sau khoảng 1-2 tuần làm việc.
Video dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về nghề đóng cơm hộp này!
Nguồn: Camatome, Kokoro, Shigoto