Gần đây, một đoạn clip ghi lại cảnh bắt quả tang một người phụ nữ tuổi đời còn khá trẻ đang có hành vi ăn trộm tại shop quần áo trong chợ Ninh Hiệp (Hà Nội). Những tưởng câu chuyện sẽ kết thúc theo một kịch bản quen thuộc: nữ quái vì hoàn cảnh khó khăn nên nhắm mắt làm liều nay đã bị bắt, người dân thì lấy lại được tiền và có thêm một bài học về tính cảnh giác.
Nhưng không! Các thông tin lại chỉ ra rằng nữ quái này có công ăn việc làm đàng hoàng, đi xế hộp và kiếm được cả trăm triệu/tháng?! Và theo như chia sẻ, cô gái này mắc một chứng bệnh tâm lý khiến bản thân không thể dừng ăn cắp.
Nữ quái đi ô tô kiếm trăm triệu mỗi tháng nhưng lại thích ăn trộm.
Vậy thực hư câu chuyện là như thế nào? Liệu có hay không hội chứng tâm lý kỳ lạ, khiến con người trở nên "táy máy" dù đang giàu nứt đố đổ vách? Hãy cùng tìm hiểu xem.
Có một căn bệnh mang tên "hội chứng ăn cắp"
Đúng vậy, căn bệnh này có tồn tại, dưới cái tên Kleptomania - tạm dịch là ám ảnh lấy cắp, hoặc "nghiện" lấy cắp. Người mắc bệnh này không thể kiểm soát được ý muốn "được" lấy trộm đồ của người khác, dù có thể vật đó chẳng có mấy giá trị.
Những hành vi này không liên quan đến tiền, vì người bệnh hoàn toàn có khả năng chi trả, thậm chí là trả gấp nhiều lần giá trị món đồ đó cũng không thành vấn đề. Ngay cả khi lấy về cũng chẳng để làm gì họ vẫn cứ lấy, đơn giản vì họ không thể cưỡng lại được.
Vật lấy cắp có thể bị... vứt xó, hoặc đem cho người khác. Cũng có trường hợp chủ nhân sau ít ngày tự nhiên nhận lại được món đồ mà không rõ nguyên do.
Ảnh minh hoạ
Hội chứng này lần đầu được biết đến vào năm 1816, và đến nay nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được làm rõ. Chỉ biết rằng, những người mắc bệnh phần nhiều là phụ nữ.
Qua rất nhiều nghiên cứu, các chuyên gia chỉ có thể đưa ra một số giả thuyết, trong đó chủ yếu là về sự thay đổi thành phần hoá học trong não bộ là nguyên nhân làm nên những "con nghiện" này.
Cụ thể hơn, một số chuyên gia tin rằng sự thiếu hụt về serotonin - hóa chất kiểm soát tâm trạng và cảm xúc có thể gây rối loạn về hành vi ở người bệnh là thủ phạm.
Số khác thì cho rằng hành vi ăn cắp giúp những người này tiết ra dopamine - hóa chất gây hưng phấn. Vấn đề là ở chỗ dopamine cũng khiến con người ta nghiện, và kết quả là họ liên tục ăn cắp để được trải nghiệm lại cái cảm giác hưng phấn không thể chịu nổi.
Ngoài ra, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Kleptomania xảy ra do một chấn động tâm lý nặng - như trầm cảm.
Kleptomania - chứng bệnh tương đối nguy hiểm
Kleptomania không gây tổn hại trực tiếp về tâm lý cũng như thể chất. Thậm chí đôi khi người bệnh còn không biết rằng mình có bệnh. Nó chỉ làm một việc duy nhất là khiến người bệnh "tắt mắt" mọi lúc mọi nơi mà thôi.
Tuy nhiên, ăn cắp là hành vi phạm pháp, và chắc chắn hậu quả khi bị bắt quả tang sẽ không tốt đẹp gì. Nhẹ thì bị vào đồn uống nước, còn nếu không may có thể bị người dân đánh hội đồng để giải toả bức xúc. Nhiều trường hợp kẻ trộm bị người dân đánh chết, chắc các bạn cũng không lạ gì nữa.
Nhưng chưa hết đâu. Nhiều trường hợp sau khi bị bắt đã bị shock tâm lý hoàn toàn, vì bản thân họ có thể cũng không biết rằng mình vừa lấy cắp. Những người này sau đó trở nên mặc cảm, không thể hòa nhập với cộng đồng. Họ mất việc, người thân xa lánh, và thậm chí đã có trường hợp tự kết liễu đời mình.
Xử lý thế nào với "hội chứng ăn cắp"?
Sự thật là căn bệnh này đến nay vẫn chưa có thuốc chữa hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy nghi ngờ bản thân mắc phải hội chứng này thì đừng ngần ngại mà hãy liên lạc ngay với các bác sĩ tâm lý.
Tuy không thể chữa trị dứt điểm, nhưng các liệu pháp tâm lý ngày nay, kết hợp cùng uống thuốc có thể giúp bạn kiểm soát được ham muốn của mình.
Nguồn: MayoClinic