Cảm xúc của con người là một khái niệm rất thú vị. Đơn giản mà nói, nó là thứ mà bạn cảm nhận ra từ tâm trạng hiện thời. Chúng ta thường biết đến nó như cảm xúc vui, buồn, giận dỗi, vị tha, sung sướng… Nó có thể thay đổi dưới tác động của môi trường sống và cũng có thể bằng cách thay đổi cách nhìn nhận của chúng ta về một vấn đề nào đó.
Trong thực tế, đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học về cảm xúc cho thấy, chúng đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình tiến hóa của chúng ta. Cảm xúc phức tạp hơn chúng ta nghĩ và thậm chí là khá bí ẩn. Qua đó, các nhà khoa học cũng đã tìm ra những điều hết sức mới mẻ về cảm xúc mà con người chưa từng biết đến.
1. Mùi vị kích thích cảm xúc
Nói về cảm xúc, thì mùi vị (khứu giác, vị giác) là yếu tố chính để kích thích tâm hồn con người chứ không phải sắc đẹp (thị giác) hay giọng nói (thính giác).
Khi nhận một mùi hương quen thuộc đã lâu chưa gặp, bỗng nhiên người ta nhớ lại một hình ảnh nào đó liên quan đến mùi hương đặc biệt ấy và một cảm xúc xuất hiện. Bởi cảm xúc là kết quả của một vòng phản xạ.
Các phân tử của mùi khi tiếp xúc với các thụ thể có trên niêm mạc mũi sẽ tạo ra một kích thích. Từ đó theo dây thần kinh khứu giác chuyển về vỏ não và tạo ra ngay một cảm xúc.
Mọi suy nghĩ, hành động sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cái cảm xúc đó. Ví dụ mùi hôi, thối, tanh… sẽ tạo ra những cảm giác ghê tởm, sợ hãi, nôn ói… Còn mùi thơm của hoa lại làm ta cảm thấy dễ chịu, hạnh phúc…
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra một tác dụng vô cùng quan trọng của mùi vị. Đó là ảnh hưởng của mùi vị trên xúc cảm của con người và động vật, trên sự hình thành một “tâm lý đáp ứng”. Ở loài vật, vào mùa sinh sản, con cái sẽ tiết ra một loại mùi đặc trưng để thu hút con đực. Cái mùi này có thể theo gió bay xa cả trăm cây số.
Đối với con người, mùi là linh hồn của kỷ niệm. Nó êm ái nhưng cũng đầy cuồng nộ. Thậm chí có người còn nói mùi hương trên người của một cô gái có sức hấp dẫn hơn một vạn lần nước hoa.
2. Facebook gây ảnh hưởng tới cảm xúc con người
Một nghiên cứu gần đây của trường ĐH Michigan (Mỹ) đã chỉ ra rằng, càng "lượn lờ" trên Facebook nhiều, bạn càng cảm thấy cuộc sống của mình buồn chán và tẻ nhạt hơn.
Để đánh giá cung bậc cảm xúc của “cư dân Facebook”, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên một nhóm thanh niên sử dụng Facebook ở Michigan và ghi chép cảm xúc của họ 5 lần một ngày trong vòng 2 tuần.
Kết quả cho thấy, trong thời gian 2 tuần, mức độ hài lòng với cuộc sống của hầu hết những người này đều giảm sút. Ethan Kross - chuyên gia khoa tâm lý xã hội học trường ĐH Michigan cho rằng: “Nhìn bề nổi, Facebook cung cấp nguồn tài nguyên vô giá để đáp ứng nhu cầu của con người về kết nối xã hội. Tuy nhiên, thay vì làm cho con người hạnh phúc hơn, những tương tác với Facebook có thể tạo tác dụng ngược lại đối với giới trẻ”.
Vào đầu năm 2012, một nghiên cứu khác của ĐH Utah (Mỹ) cũng cho thấy, con người cảm thấy buồn sau khi truy cập Facebook. Các nhà nghiên cứu đã tiếp xúc 425 sinh viên và tìm thấy mối tương đồng giữa thời lượng sử dụng Facebook và cảm xúc tiêu cực của họ đối với cuộc sống của chính mình.
Càng dành nhiều quỹ thời gian lang thang trên Facebook, họ càng cảm thấy cuộc sống của bạn bè mình tốt, hạnh phúc hơn. Nhìn vào bằng chứng cho sự thành công của bạn bè, những người dễ thương hay kỳ nghỉ tuyệt vời… là nguồn gốc cho sự ghen tị, cô đơn và thậm chí là tức giận.
3. Đi ngủ và nằm mơ giúp xoa dịu cảm xúc tiêu cực
Các nhà nghiên cứu tại ĐH California, Berkeley (Mỹ) đã phát hiện ra rằng, khi ngủ mơ, não bộ vẫn tiếp tục xử lý các dữ liệu gồm cả những trải nghiệm về cảm xúc, đồng thời giúp giảm bớt nỗi đau về ký ức không “dễ chịu”.
Các nhà khoa học cho biết, trong suốt giai đoạn ngủ mơ, trí nhớ được tái hiện một lần nữa. Nhưng chúng được tái hiện trong một môi trường “an toàn” hơn khi mà hormone norepinephrine sụt giảm mạnh. Đây là một hóa chất trong não có liên quan đến sự căng thẳng.
Chính sự giảm xuống của các hóa chất này đã làm dịu những phản ứng cảm xúc phát sinh trong quá trình xử lý ký ức trải nghiệm trong ngày hôm trước. Vì vậy, chúng ta sẽ cảm thấy dễ chịu hơn về chúng khi thức dậy vào ngày hôm sau và cảm thấy dù thế nào, mình cũng có thể “đương đầu” được.
Điều này giúp lý giải tại sao những người mắc chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý có cơn ác mộng lặp đi lặp lại và gặp nhiều khoảng thời gian khó khăn để “hồi phục” từ trải nghiệm đau buồn đó.
Theo các nhà khoa học, những hồi ức ấy vẫn còn dai dẳng là vì cảm xúc đã không được xóa đi khỏi bộ nhớ trong khi ngủ. Nghiên cứu này có thể mở ra các hướng điều trị mới liên quan đến giấc ngủ và bệnh tâm thần.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Listverse, Livescience, Discovery News, Wikipedia...