Trong cuộc sống cũng như công việc,
sáng tạo là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nắm được chìa khóa của sự sáng tạo, bạn chắc chắn sẽ thành công và tiến xa hơn trong sự nghiệp của bản thân.
Tuy nhiên, một điều mà không phải ai cũng biết, đó là khả năng sáng tạo phụ thuộc rất nhiều vào môi trường xung quanh bạn.
Nếu không chú ý, bạn rất dễ mắc phải những
thói quen sai lầm dưới đây - thứ được khoa học chứng minh là tiêu diệt không thương tiếc tiềm năng sáng tạo của con người.
1. Ngồi gần cửa ra vào
Muốn sáng tạo bạn cần có sự tập trung cao độ. Việc ngồi gần cửa ra vào hoặc làm việc trong văn phòng có cửa ra vào mở toang sẽ làm bạn bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí The New Yorker cho biết, tiếng ồn tác động tới các nhân viên văn phòng làm giảm tính sáng tạo, giảm khả năng ghi nhớ và gợi lại thông tin nên năng suất lao động vì thế cũng giảm theo.
Tuy nhiên đôi khi việc đóng kín cửa khá khó khăn vì bạn phải chia sẻ không gian với những người cùng phòng. Vậy giải pháp cho bạn là hãy tự tạo cho mình một không gian riêng (một chiếc bàn làm việc ở một góc yên tĩnh), nó sẽ tốt cho khả năng sáng tạo của bạn.
2. Luôn luôn bám mặt ở văn phòng
Có thể bạn nghĩ rằng văn phòng với các tiện nghi như ghế đệm, máy tính, điều hòa... là lý tưởng cho quá trình sáng tạo. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây có thể sẽ khiến bạn phải suy nghĩ lại.
Nicholas Bloom, giáo sư kinh tế tại Đại học Stanford, đã tiến hành một cuộc điều tra trong 9 tháng tại Ctrip - một cơ quan du lịch Trung Quốc, nơi các nhân viên trực điện thoại sẽ được phân công ngẫu nhiên để có thể làm việc tại nhà hoặc đến văn phòng.
Kết quả điều tra cho thấy những người làm việc tại nhà có tỷ lệ thành công trong việc thuyết phục khách hàng cao hơn 13,5% so với những người còn lại.
3. Đối đầu với đồng nghiệp
Cạnh tranh có thể là cách tốt để giúp các cá nhân trong một tập thể phát triển hơn. Tuy nhiên cạnh tranh trong thù hằn, đối đầu sẽ chỉ làm giảm năng suất lao động. Nghiên cứu này được đăng trong cuốn “The Best Place to Work” của nhà tâm lý học xã hội Ron Friedman.
Theo ông, tình bạn nơi làm việc có thể khiến công việc hiệu quả hơn, không phải chỉ vì bạn bè với nhau nên dễ làm việc hơn, mà cũng vì những yếu tố khác như vị thế, hoặc danh dự.
Khi các đồng nghiệp trở nên thân thiết, việc làm khách hàng không hài lòng sẽ tạo ra tâm lý “mình đã làm bạn bè thất vọng”.
Đây là một “áp lực xã hội tích cực”, tạo động lực tốt hơn nhiều so với những áp lực tiêu cực của sự đối đầu, thậm chí còn tốt cả những lời “bảo ban” từ các sếp.
4. Than vãn, rên rỉ
“Tập trung vào những điều tiêu cực tại nơi làm việc sẽ khiến bạn bị mất tinh thần và gặp khó khăn trong hoàn thành công việc”. Đây là kết luận được đăng trên tạp chí Journal of Applied Psychology (Thời báo tâm lý học ứng dụng).
Luôn luôn phàn nàn về mọi việc sẽ làm tinh thần của bạn xuống nhanh chóng. Như thế không hẳn là bạn nên cố vờ như mọi thứ đều tốt đẹp mà thay vì phàn nàn, hãy thử tự gợi ý cho mình một cách tốt hơn để làm công việc đó. Hành động này sẽ giúp bạn tối ưu hóa năng lực của bản thân.
5. "Thanh niên nghiêm túc" trong mọi vấn đề
Nghiêm túc trong công việc sẽ cho bạn một phong cách chuyên nghiệp và sự tập trung. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng cần nghiêm túc.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Journal of Applied Psychology, tiến sĩ Nale Lehmann-Willenbrock cho biết những câu đối thoại hài hước trong văn phòng có thể làm cho năng suất làm việc nhóm cao hơn.
Cụ thể, sự hài hước dẫn đến tâm lý thoải mái cho con người. Vì thế, trong quá trình trêu đùa, các thành viên trong nhóm có nhiều khả năng để phát triển những ý tưởng mới hay bật ra đề xuất thú vị giúp công việc hiệu quả hơn.
6. Bó hẹp tâm trí
Đây chính là hệ quả của việc quá nghiêm túc trong mọi vấn đề, nó sẽ khiến cho tư duy của bạn bị bó hẹp và vì thế “bóp nghẹt” khả năng sáng tạo. Trong cuốn sách The Wandering Mind, giáo sư Michael Corballis thuộc ĐH Auckland cho biết: bộ não sẽ dành thời gian và năng lực để “ấp ủ” ý tưởng về chủ đề bạn quan tâm trong khi bạn đang suy nghĩ về một chủ đề hoàn toàn khác.
Bằng chứng là một khảo sát kiểm tra sức sáng tạo được tiến hành trên 3 nhóm người. Theo đó, 3 nhóm tình nguyện viên đều được giao cho một công việc liên quan tới khả năng sáng tạo.
Trong giờ nghỉ, một nhóm được giao nhiệm vụ ghi nhớ một số thứ, một nhóm được làm những gì mình thích và nhóm còn lại sẽ phải ngồi yên không được làm bất cứ việc gì. Khi trở lại công việc, những người được làm việc mình thích thể hiện sức sáng tạo vượt trội hơn cả.
Vì vậy, nếu bạn cần phải giải quyết một vấn đề, hãy ngừng nhấn mạnh vào nó, thả lỏng tâm trí, suy nghĩ về bất cứ điều gì bạn thích và bạn sẽ bất ngờ về bộ não của mình.
7. Làm việc liên tục
Đây là một thói quen không tốt nhưng rất nhiều người mắc phải, bắt bộ não làm việc liên tục sẽ khiến cho nó trở nên mệt mỏi và tất nhiên không thể sáng tạo tốt được. Để lao động có hiệu quả cao, chúng ta cần có chế độ nghỉ ngơi thích hợp.
Trong năm 2006, công ty kiểm toán Ernst & Young đã làm một khảo sát nội bộ và thấy rằng đối với mỗi 10 giờ nghỉ ngơi tăng thêm của nhân viên, xếp hạng hiệu suất cuối năm của họ được cải thiện 8%.
Nguồn: Buzzfeed