Nếu như trước kia, chỉ có đồ gia dụng bị làm giả, làm nhái thì giờ đây, ngay cả
thực phẩm cũng có thể làm “đểu” một cách rất tinh vi. Bắt đầu từ trứng giả, gạo giả, sau là thịt giả và mực giả.
Với nhu cầu sử dụng cao, mực tươi được chế biến thành mực khô nhằm mục đích bảo quản và chế biến. Đây cũng là lúc nghệ thuật làm giả mực "nảy mầm" và phát triển. Những chiêu trò tinh vi cùng hóa chất độc hại đều được sử dụng để chế biến vì lợi nhuận khổng lồ mà công việc này mang lại.
Cấp độ thấp nhất của công nghệ làm mực khô “đểu”, đó là sử dụng loại mực xà (còn gọi là mực ma) để thay thế mực ống thường. Loài mực này có tên khoa học là Sthenoteuthis oualaniensis, có rất nhiều ở Biển Đông.
Sau khi phơi xong, loại mực này ăn rất đắng, không ngon và ngọt như bình thường. Giá của loại mực này lại chỉ bằng ¼ so với mực ống thường. Điều này sẽ đem lại lợi nhuận khổng lồ cho nguồn cung cấp.
Quy trình làm mực xà khô giống hệt như làm mực ống khô thông thường. Tuy nhiên, đuôi mực xà có màu đen sậm, xòe như đuôi cá, to hơn hẳn so với mực thường.
Để giải quyết điều này, người chế biến mực giả chỉ cần sử dụng thuốc tẩy phần râu mực xà và lột lớp da màu đen sậm bên ngoài, thế là đã có một con mực khô giả hoàn hảo. May mắn là ngoài mùi vị không ngon, ăn loại mực này không có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Đuôi mực dễ dàng được bóc ra do dính bằng keo.
Râu mực không quăn...
Mực khô gắn keo là cấp độ tiếp theo của “nghệ thuật” làm giả mực hiện nay. So với mực khô thông thường, loại mực này nhỏ hơn, hình thù gần giống lá trầu. Đuôi mực dễ dàng được bóc ra do dính bằng keo, râu không quăn và không hề có mắt như tự nhiên.
Một chiêu trò lừa đảo tinh vi hơn đó là công nghệ phục chế mực "tươi" kém chất lượng để bán. Nguyên liệu đầu vào trong chu trình này là những sọt mực bốc mùi hôi, ngả màu tím đen, mốc meo vì quá hạn sử dụng, được thu lượm hàng loạt và bán cho các tiểu thương chợ lẻ.
Các tiểu thương này sau đó ngâm mực hỏng vào những chậu nước có màu đục như nước vo gạo và khuấy đều. Sau một thời gian, mực mốc trở nên trắng phau, tươi rói như vừa được đánh bắt.
(Ảnh minh họa)
Hóa chất thần kỳ trên được dân trong nghề gọi là chất kiềm. Cứ 1kg mực hỏng, ngâm chất này thì sẽ thu về được 1,2kg - lãi 200g. Nếu mực bị biến chất, có mùi, người ta sẽ ngâm chúng thêm với chất tẩy trắng, giúp khử mùi hôi tanh, tăng độ giòn, dai cho mực.
Dưới góc nhìn khoa học, các chuyên gia cho rằng, hiện nay có rất nhiều các hóa chất có khả năng "thần kỳ" như trên, có thể kể tới urê trong phân đạm, cellulose, formol (để ướp xác)…
Mức độ độc hại của các hóa chất này là điều không phải bàn cãi. Khi được đưa vào cơ thể, những chất hóa học này không thể tiêu hóa. Chúng lâu ngày sẽ tích tụ dần và gây phản ứng, tổn thương tới sức khỏe con người.
Formol gây dị ứng, tổn hại dạ dày và hệ hô hấp, trong khi đó, urê trong phân đạm với hàm lượng cao sẽ gây ngộ độc cấp tính. Về lâu dài, chúng là nguyên nhân gây ra chứng bệnh đau đầu, mất ngủ, suy giảm trí nhớ…
Mới đây nhất, dư luận đang xôn xao về một loại mực khô cực kỳ nguy hiểm: đó là mực cao su. Theo nhiều câu chuyện chia sẻ trên mạng, đây là loại mực khi đốt cháy đen rất nhanh, có mùi khét như mùi polymer cháy. Khi bóp thử thì vỡ vụn như than.
Nếu chẳng may ăn phải, bạn sẽ thấy mực vô cùng dai dù có nhai tới “sái quai hàm” và không có vị ngọt như thông thường. Loại mực cao su này có giá khá rẻ, khoảng 230 - 250.000đ/kg so với 350 - 420.000đ/kg mực loại xịn và thường được bán ở dạng xé sợi nhỏ, tẩm ướp sẵn.
Tạm kết: Hiện, các cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh thành, địa phương đã vào cuộc, kiểm nghiệm, tịch thu những mẫu mực bị “nghi” là mực giả, mực cao su. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là lựa chọn mực nói riêng, các loại thực phẩm khác nói chung một cách cẩn thận và mua tại cửa hàng có uy tín. Khi phát hiện những trường hợp lừa đảo, hãy là một người tiêu dùng thông thái, cảnh báo cho những người xung quanh và thông tin cho chính quyền địa phương nơi gần nhất.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Wikipedia, Tinmoi, Baomoi, Vietnamnet...