Trải qua hàng ngàn năm dưới sự chọn lọc của tự nhiên, con người từ một giống loài nguyên thủy đã dần
tiến hóa để trở nên như ngày hôm nay.
Cơ thể chúng ta đã loại bỏ những đặc điểm dư thừa, giữ lại và phát triển những điểm mạnh của mình để ngày càng hoàn thiện. Dưới đây là những dấu hiệu cho sự tiến hóa ít được biết đến đó.
1. Bộ lông
Đối với phần lớn các loài động vật, kể cả con người, bộ lông luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. Chúng được dùng để giữ ấm, ngụy trang và đôi khi tự vệ. Nếu không có bộ lông, ít nhất cũng có một lớp da dày thay thế.
Con người lại hoàn toàn trái ngược. Không có lớp da dày, bộ lông từ thời tiền sử đã dần biến mất trong quá trình phát triển. Nguyên nhân của điều này là do con người đã dần phát minh ra quần áo để mặc, lửa để sưởi ấm, vũ khí để tự vệ và bộ lông dần trở nên không cần thiết nữa.
Tuy nhiên, mặc dù bỏ được bộ lông của mình, nhưng con người trong quá trình tiến hóa lại “bỏ quên” một chức năng đi kèm với nó. Đó chính là hiện tượng nổi da gà khi sợ hãi hoặc gặp nguy hiểm. Hành động này tương đương với việc xù lông tự vệ ở các loài động vật khác. Có vẻ như tự nhiên đôi khi cũng có chút thiếu sót.
2. Cơ quan phát hiện mùi
Cơ quan này còn có tên khác là “Jacobson” hay “Vomeronasal”. Đây là một cơ quan vô cùng cần thiết đối với phần lớn các loài động vật, bao gồm cả con người thời xưa.
Cơ quan này nằm ở trong mũi và chức năng của nó là phát hiện ra các pheromone (những chất được sử dụng như những tín hiệu hóa học giữa các cá thể cùng loài, báo hiệu về con mồi, hấp dẫn tình dục…).
Trong môi trường hoang dã, cơ quan này giúp các loài động vật tìm kiếm bạn tình, săn mồi và phát hiện ra nguy hiểm xung quanh. Loài người cũng đã từng có cơ quan này, do ngày xưa, con người không thể giao tiếp với nhau nên phải sử dụng Jacobson để săn mồi, tìm bạn tình…
Nhưng cùng với quá trình tiến hóa, sự phát triển của xã hội và khoa học, chức năng của cơ quan thụ cảm này đã dần dần bị loại bỏ.
3. Cơ tai
Còn được gọi là các cơ auriculares, chức năng của chúng là xoay và điều chỉnh đôi tai để tập trung thính giác về phía những âm thanh đặc biệt. Hiện, chúng ta có thể thấy điều này rõ nhất ở loài mèo, đặc biệt khi chúng đang rình chuột - đôi tai sẽ vểnh lên và hướng về phía con mồi.
Xưa kia, loài người cũng có những cơ này, nhưng sau một thời gian dài tiến hóa, đến nay chúng vô cùng yếu đuối và biến mất. Lý giải cho điều này, các nhà khoa học cho rằng, với những phát minh của mình, loài người không còn phải vất vả săn mồi, né tránh kẻ thù… do đó, việc điều chỉnh đôi tai không còn cần thiết nữa. Do đó, những cơ này không còn lý do gì để tồn tại.
4. Cơ Plantaris (Cơ chân)
Chúng ta có thể thấy ở tổ tiên và người “anh em” của chúng ta - loài khỉ, đôi chân chúng, đặc biệt là bàn chân, vô cùng linh hoạt. Chúng có thể dùng chân để bám cành cây, để giữ thức ăn và đôi khi cả bóc vỏ thức ăn…Vậy tại sao chúng ta không có khả năng này?
Giống như các chức năng khác kể trên, khi việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn, leo trèo hái quả đã có máy móc trợ giúp, chức năng của đôi chân giờ đây là để di chuyển trên địa hình bằng phẳng. Dần dần, cơ chân cũng tự thoái hóa để phù hợp với điều kiện mới này.
5. Xương cụt
Đối với việc leo trèo và di chuyển bằng bốn chân, cái đuôi là một bộ phận rất quan trọng, giúp giữ thăng bằng khi di chuyển. Xương cụt ở người chính là bằng chứng còn sót lại từ tổ tiên. Các xương cụt là tàn dư của những gì đã từng là một cái đuôi của con người.
Khi bắt đầu đứng thẳng được, chúng ta dần dần không cần chiếc đuôi để giữ thăng bằng nữa, mà thay vào đó là sự đung đưa của cánh tay.
Tuy nhiên, xương cụt vẫn còn hữu dụng trong việc hỗ trợ chúng ta giữ thăng bằng và không bị ngã về phía sau khi ngồi xuống. Nó cũng có tác dụng định hình hậu môn.
6. Ruột thừa
Có nhiều người cho rằng, ruột thừa rõ ràng là một thứ không cần thiết. Không những thế, khi bị viêm chúng ta còn phải sớm cắt bỏ. Vậy ruột thừa tồn tại để làm gì?
Với một chế độ ăn lá phong phú của loài vượn cổ - tổ tiên của chúng ta, ruột thừa lại vô cùng hữu ích. Chức năng của nó chính là hỗ trợ ruột phân giải xenlulozơ thành năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, trong quá trình tiến hóa, con người bắt đầu ăn nhiều thịt hơn, ruột thừa dần dần giống với tên gọi của nó.
Vậy tại sao ruột thừa không biến mất? Câu trả lời chỉ có tự nhiên mới biết được, nhưng có lẽ, khác với những bộ phận khác ở ngoài cơ thể, ruột thừa nằm ở phía bên trong và khó bị tổn thương hơn các bộ phận khác. Vì thế, chúng vẫn được giữ lại trong quá trình tiến hóa chăng?
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Listverse, Cracked, New Scientist, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: