Thông tin từ Câu lạc Khuyến nông Phú Trí A (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2013, giá bưởi hồ lô từ dưới 1 triệu đồng đến trên 2 triệu đồng/cặp tùy loại. Sản phẩm dưa hấu hồ lô của các nhà vườn này có giá bán dự kiến 3 triệu đồng/cặp. Trong khi đó, tại nhà vườn ở Cần Thơ, giá cặp dưa thỏi vàng, dưa vuông (cung ứng 400 cặp) dao động từ 2 đến 3 triệu đồng; riêng dưa hình xe hơi giá 10 triệu đồng/cặp (cung ứng 50 cặp). (Nguồn tham khảo: Dân Trí) |
Vậy tại sao những loại hoa quả tạo hình này lại có giá cao như vậy? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Bắt đầu với nơi "mở màn" công nghệ tạo hình hoa quả - Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Họ chính là những người phát minh ra việc trồng dưa hấu vuông bằng cách lồng khung hình vuông cho quả dưa hấu từ lúc đang phát triển cho tới khi quả chín.
Giờ đây, ngay trên chính mảnh đất Việt Nam, chúng ta cũng đã thành công với công nghệ ấy, thậm chí còn sản xuất được những loại hoa quả “dị” hơn.
Việc trồng hoa quả với hình thù "bắt mắt" như bưởi hồ lô, dưa hấu thỏi vàng, nén bạc, xe hơi… vốn bắt nguồn từ mảnh đất Châu Thành (Hậu Giang). Người đi đầu trong lĩnh vực này là ông Võ Trung Thành. Năm 2009, bưởi hồ lô đã trở thành sáng chế độc quyền của ông được đăng kí quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Võ Trung Thành đang chăm sóc cây bưởi hồ lô.
Trào lưu nói trên nhanh chóng lan rộng khắp các vùng khác nhau, nông dân thi nhau sản xuất những loại hoa quả chưng Tết có hình dáng đặc biệt, từ hình nén bạc, kim tự tháp… thậm chí cả xe hơi.
Làm thế nào để tạo ra các loại hoa quả dập khuôn hình
Hình thù khác lạ mà các loại cây trái có được là do đặc tính Biến dị sinh học của chúng. Biến dị sinh học là những biến đổi mới mà cơ thể sinh vật thu được do tác động của các yếu tố môi trường và do quá trình tái tổ hợp di truyền. Biến dị sinh học bao gồm 2 loại: Biến dị không di truyền (thường biến) và Biến dị di truyền. Cụ thể, với bưởi hồ lô và dưa hấu xe hơi... chính là trường hợp Biến dị không di truyền. Đó là những biến đổi liên quan đến kiểu hình, không liên quan gì tới vật chất di truyền. |
Về cơ bản, để làm ra một trái bưởi hồ lô hay những trái dưa hấu hình xe hơi, nén bạc có quy trình tương đương.
Khâu chọn giống là vô cùng quan trọng. Bưởi phải là bưởi Năm Roi nổi tiếng, không hạt, da xanh, đẹp. Dưa cũng phải là dưa vàng, màu sáng.
Trong quá trình trồng và chăm sóc, không có gì khác với các giống bình thường, mấu chốt là nằm ở việc giảm hàm lượng phân bón hóa học, tăng cường phân bón hữu cơ để quả ra ngon, ít bị nứt, màu sắc lại đẹp.
Đối với bưởi hồ lô, khi bưởi ra quả được khoảng 2 tháng, người trồng sẽ chọn ra những quả đẹp, ngon và có tiềm năng phát triển nhất để tiến hành thắt nút dây ở giữa quả bưởi. Dưới tác động của ngoại lực, quả bưởi sẽ phát triển theo hướng mà chủ nhân mong muốn. Thông thường, chỉ có 10% số quả trong vườn đạt được yêu cầu.
Mất khoảng 3 tuần lễ để bưởi bắt đầu "thắt eo" có hình giông giống hồ lô.
Mất khoảng 3 tuần lễ để bưởi bắt đầu "thắt eo" có hình giông giống hồ lô. Khi đó, người trồng cho bưởi vào khuôn hình đã tạo sẵn, có khắc chữ nổi rồi cố định quả. Bưởi lúc này cần điều kiện ánh sáng thấp để giữ nguyên màu sắc đẹp, vì vậy người trồng phải dùng giấy che từng trái, chăm sóc hàng ngày.
Toàn bộ quá trình này diễn ra khoảng 5 tháng, từ tháng 7 tới tháng 12 âm lịch.
Đối với dưa hấu, quá trình trồng và thu hoạch diễn ra nhanh hơn, chỉ khoảng 55 - 57 ngày. Khi dưa hấu trồng được 40 ngày tuổi, đây là thời điểm tốt nhất để cho trái vào khuôn vuông, hoặc hình hồ lô, hình nén bạc, kim tự tháp, xe hơi…
Riêng loại quả này, khuôn tạo hình phải chế tạo bằng kính mới đạt được chất lượng cao nhất, chất liệu khác sẽ khiến dưa dễ bị nứt, đứt cuống.
Khi dưa trồng được 40 ngày tuổi, đây là thời điểm tốt nhất để cho trái vào khuôn.
Việc chăm sóc cây trong quá trình tạo hình cũng đòi hỏi rất công phu: Khi trời nắng, người trồng phải dựng đứng trái lên để dưa phát triển đều, khi trời mưa thì lại phải đặt nằm ngang để dưa không bị nấm bệnh; Khi tưới nước cũng chỉ được tưới sát gốc. Lúc dưa nhỏ thì tưới nhiều lần trong ngày, tưới nhiều hơn trong giai đoạn ra trái. Nhưng trước thu hoạch khoảng 5 ngày nông dân sẽ ngừng tưới để dưa ngọt, chắc và bảo quản được lâu.
Với quy trình sản xuất như vậy, giá trị của bưởi và dưa sẽ tăng lên một cách chóng mặt. Nguyên nhân cũng xuất phát từ tâm lý chuộng của lạ, mong muốn chưng những loại quả độc đáo ấy cho một năm mới may mắn, phát tài phát lộc của người dân.