"Cây thần kỳ" biến chua thành ngọt |
Câu chuyện bắt nguồn từ bản khảo sát của nhà thám hiểm Des Marchais về một loại quả có thể biến vị chua thành ngọt lịm, được thổ dân châu Phi dùng từ năm 1725. Đến năm 1852, qua bài viết của tiến sĩ W. F. Daniel, giới khoa học mới thật sự được biết tỉ mỉ về loài cây được gọi là “cây Thần kỳ”.
Cây "Thần kỳ" có tên khoa học là Synsepalum dulcificum, thuộc họ Sapotaceae (hồng xiêm), là một loại cây tiểu mộc và có thể cao đến 6m sau 10 năm. Cây “Thần kỳ” phát triển tốt nhất ở vùng đất khô ráo, độ pH nghiêng về acid, thích hợp ở vùng có độ ẩm cao và nhiều nắng. Quả của cây “Thần kỳ” khi chín có màu đỏ tươi rất đẹp nhưng mau hỏng ngay cả khi được bảo quản kỹ.
Quả của "cây thần kỳ" nè!
Sở dĩ, cây được gọi là cây “Thần kỳ” vì công dụng rất đặc biệt của quả, có thể biến những vị chua, đắng thành ngọt lịm. Thành phần chính của quả này là chất miraculin với tác dụng tạo vị ngọt kéo dài trong khoảng hơn một giờ, sau đó biến mất nhanh chóng nếu ta uống một ngụm trà nóng.
Biết được tác dụng này, một số nước đã nghiên cứu việc dùng quả cây “Thần kỳ” để thay thế cho các chất tạo ngọt nhân tạo, vốn có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Mỹ là nước đưa ra ý tưởng này đầu tiên, nhưng do gặp một số rắc rối với các nhà cung cấp chất tạo ngọt nên cây “Thần kỳ” hiện chỉ nằm trong danh mục cây cảnh. Hiện tại, Nhật là nước tiến gần đến việc đưa miraculin vào ngành công nghiệp thực phẩm. Thậm chí, họ còn dự tính thử nghiệm việc ghép gene miraculin và rau diếp.
Bổ một quả của cây ra xem có gì hay ho nào.
Nếu các thí nghiệm thành công, có thể nói, cây “Thần kỳ” là một bước tiến mới của ngành khoa học về dinh dưỡng, bởi miraculin là một chất tạo ngọt không sinh ra năng lượng (calorie). Vì là hợp chất thiên nhiên nên miraculin rất thích hợp dùng cho các bệnh nhân bị mắc các căn bệnh cần kiêng dùng đường mía hoặc chất tạo ngọt tổng hợp như tiểu đường, béo phì… Cây “Thần kỳ” đã được du nhập vào Việt Nam khoảng hơn 10 năm, tuy nhiên cây chỉ được dùng làm cảnh, cây thuốc và cây dinh dưỡng đơn thuần chứ chưa được nghiên cứu kỹ càng.
Marula - loại cây khiến động vật "bay bay" |
Đã bao giờ bạn nghĩ mình sẽ nhìn thấy một chú voi đi lảo đảo hay một bầy khỉ “chân nam đá chân chiêu” như Tôn Ngộ Không chưa?
Câu trả lời là hoàn toàn có thể bởi điều này là “chuyện thường ngày ở huyện” tại châu Phi, nơi sinh trưởng của cây Marula. Quả của cây Marula có thể khiến các loài động vật rơi vào trạng thái “lảo đảo”, dù không hề có độc.
Quả Marula lúc còn xanh này các bạn!
Marula là một loại cây có họ hàng với xoài, phát triển rộng rãi ở châu Phi, đặc biệt là Nam Phi. Quả của nó khi chín có màu vàng, ngọt không kém gì xoài. Quả cây Marula có một vài thành phần giống như nước lên men, khiến động vật bị "lảo đảo" nếu ăn nhiều.
Những người dân châu Phi còn lấy chúng làm nguyên liệu chế biến mứt, nước lên men. Ở Nam Phi, nước quả Marula được coi như một loại đồ uống đặc sản truyền thống của người dân nơi đây.
Chú lợn rừng có vẻ đang rất "phởn" với việc tìm ra nhiều quả Marula trên mặt đất.
Tuy nhiên, không chỉ riêng con người mới biết thưởng thức loại quả tuyệt diệu này đâu nhé! Với mùi thơm và hương vị ngon không chê vào đâu được, các loài động vật cũng thường xuyên ăn loại trái cây trên. Và kết quả là chúng cũng bị "bay bay” giống con người.
Sau khi "đánh chén" quả Marula thỏa thê, chú khỉ "nằm vật ra đất" thế này đây!
"Êu, dậy đi cậu ơi, mama đến kìa!"
Từ khỉ, lợn rừng, tê giác, sơn dương cho đến đà điểu, hươu cao cổ hay thậm chí cả voi cũng bị loại quả này làm cho “choáng váng”, khó lòng giữ được thăng bằng.
Cùng chiêm ngưỡng xem các loài động vật bị loại quả này “mê hoặc” như thế nào bạn nhé!
Nhiều loại động vật ở châu Phi "bay bay" sau khi ăn Marula.