Bí ẩn hai cửa ải nằm ở tận cùng của Vạn Lý Trường Thành

Minh Khánh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/07/2015
Chia sẻ

Cùng hiểu hơn về điểm tận cùng của Vạn Lý Trường Thành và câu chuyện ít ai biết về địa danh này.

Vạn Lý Trường Thành là một trong những công trình kỳ vĩ nhất từng được con người xây dựng với chiều dài ước tính khoảng 21.196km. 

Liệu bạn có bao giờ tự hỏi hai đầu của tòa thành dài vạn dặm này nằm ở đâu? Bài viết sau sẽ cùng các bạn khám phá nguồn gốc lịch sử, cấu trúc và những câu chuyện thú vị xoay quanh hai cửa ải nằm ở tận cùng của Vạn Lý Trường Thành.

1. Sơn Hải Quan - cánh cổng mở ra triều đại nhà Thanh

Sơn Hải Quan là cửa ải cực Đông của Vạn Lý Trường Thành, nằm ở vị trí ở phía Nam Yên Sơn và phía Bắc Bột Hải thuộc quận Sơn Hải Quan, Hà Bắc ngày nay.

Đây từng là một cửa ải biên giới phòng thủ Trung Quốc bản thổ trước các dân tộc du mục tại Đông Bắc như Khiết Đan, Nữ Chân và Mãn Châu.



Cửa ải tại vùng đất này đã từng được xây từ thời Bắc Tề  (550- 577) và thời Đường (618 - 907) nhưng phải đến thời nhà Minh (1368 - 1644), Sơn Hải Quan mới chính thức được xây dựng. 

Trong đó, tướng Thích Kế Quang nhà Minh đã cho xây dựng tường thành và pháo đài ở phía Đông, Nam và Bắc của cửa ải. Sơn Hải Quan là một trong những cửa ải được củng cố vững mạnh nhất tại Trung Quốc và đến hiện tại là một trong những cửa ải được bảo quản tốt nhất của Vạn Lý Trường Thành.



Cửa ải Sơn Hải Quan có dạng hình vuông, với chu vi khoảng 4km cùng các bức tường cao 14 mét, dày 7 mét. Các mặt phía Đông, Nam và Bắc có hào sâu và rộng bao quanh, ở phía trung tâm cửa ải có một tháp chuông cao.
 
Tất cả bốn mặt thành đều có cổng nhưng Trấn Đông Môn ở phía Đông là cổng quan trọng nhất và vẫn còn tồn tại đến ngày nay do vị trí đối mặt với phía ngoài cửa ải. Trên cổng thành có treo một bức hoành phi thể hiện một tên gọi khác của Sơn Hải Quan là “Thiên hạ đệ nhất quan”. 


Cổng thành Trấn Đông Môn của Sơn Hải Quan

Sơn Hải Quan có một đoạn trường thành lấn ra tới Bột Hải - nơi bức tường thành giáp biển trông như hình dáng một con rồng đang chúc đầu xuống nước nên được đặt biệt danh “Lão Long Đầu”.

Xung quanh cửa ải này có nhiều câu chuyện nổi tiếng mà được biết đến nhiều nhất là tích Ngô Tam Quế mở Sơn Hải Quan để hàng quân Mãn Châu.


Sử liệu ghi chép rằng, thời nhà Minh, tướng Ngô Tam Quế đã gần như chấp thuận đầu hàng và tham gia quân nổi dậy của Lý Tự Thành.

Tuy nhiên, sau khi nghe tin người thiếp yêu quý là Trần Viên Viên bị họ Lý chiếm đoạt, Ngô Tam Quế đã nổi giận và liên lạc với Đa Nhĩ Cổn của Mãn Châu, dẫn đến việc mở Sơn Hải Quan cho quân Mãn. Liên quân Ngô Tam Quế và Mãn Châu đã chiến thắng trong trận Sơn Hải quan chống lại Lý Tự Thành.
  
Chiến thắng của quân Mãn Châu không chỉ tiêu diệt quân nổi dậy của Lý Tự Thành mà còn chấm dứt cả nhà Minh, thiết lập một triều đại cai trị mới của người Mãn trên đất Trung Quốc là nhà Thanh.



Ngoài ra, còn một tích khác khá thú vị liên quan đến chữ “Nhất” trong bức hoành phi “Thiên hạ đệ nhất quan” treo ở cổng phía Đông cửa ải. 

Bức hoành phi dài 5,9 mét, rộng 1,6 mét, trong đó chiều cao của chữ là 1,45 mét, rộng 1,09 mét do Tiêu Hiển - nhà thư pháp nổi tiếng của nhà Minh viết, nhưng dưới bức hoành phi lại không đề tên ông.

Truyền thuyết kể rằng khi viết bức hoành phi này, Tiêu Hiển đã viết một mạch là xong, nhưng khi ngắm lại ông không hài lòng với chữ “Nhất”, tuy viết lại nhiều lần nhưng vẫn không như ý. Ông quẳng bút và vào quán rượu dưới chân núi vừa uống rượu vừa nghiền ngẫm. 



Ngay lúc đó, một người hầu trong quán quen tay vạch một đường trên bàn, để lại vệt nước. Tiêu Hiển trông thấy vệt nước liền đứng dậy khen không ngớt “tuyệt quá”. Thì ra vệt nước đã vẽ nên chữ “Nhất” kỳ diệu. Tiêu Hiển liền viết chữ nhất này lên bức hoành phi và trở thành bức hoành phi thiên cổ. 

Vì lí do trên, Tiêu Hiển đã không ghi tên vào chỗ lạc khoản, khiến bức hoành phi này là một trong số rất ít bức hoành phi không có lạc khoản. 

Được biết, lạc khoản là thành tố không thể thiếu trong tác phẩm thư pháp - là phần trên bức Thư pháp để ghi tên, tên hiệu, ngày tháng, lời giải thích, thơ văn... đồng thời có đóng ấn chương.

2. Gia Dục Quan - pháo đài đồ sộ xây từ 99.999+1 viên gạch

Trái ngược với Sơn Hải quan, Gia Dục Quan là cửa ải nằm ở cực Tây của Vạn Lý Trường Thành. Nếu Sơn Hải Quan xây dựng lấn biển thì Gia Dục Quan lại được xây dựng tại vùng biên giới giáp sa mạc Gobi.



Cửa ải này nằm ở điểm hẹp nhất ở phần phía Tây của hành lang Hà Tây, về phía Tây Nam thành phố Gia Dục Quan tại Cam Túc. Công trình nằm giữa hai ngọn đồi, một trong hai ngọn đồi đó được mang tên Gia Dục Quan. 

Gia Dục Quan được xây dựng vào đầu thời nhà Minh, khoảng năm 1372. Pháo đài ở đây được củng cố rất nhiều do sợ hãi trước một cuộc tấn công của hoàng đế Thiếp Mộc Nhi (Timur Lenk), người sáng lập triều đại Timurid ở Trung Á, song vị hoàng đế này đã chết vì tuổi già trong khi đang dẫn một đội quân hướng đến Trung Quốc.



Gia Dục Quan có cấu trúc hình thang với chu vi 733 mét và diện tích trên 33.500m². Tổng chiều dài tường thành là 733 mét và chiều cao tường thành là 11 mét.

Cửa ải có hai cổng: một ở phía Đông và một ở phía Tây. Một dòng chữ "Gia Dục Quan" bằng Hán tự được viết trên một tấm bảng tại cửa phía Tây. Mặt phía Nam và Bắc của cửa ải kết nối với Vạn Lý Trường Thành. 

Cứ tại mỗi góc của cửa ải sẽ có một tháp canh. Gia Dục Quan bao gồm ba tuyến phòng thủ: thành nội, thành ngoại và các hào nước.


Gia Dục Quan còn có một tên gọi khác là ‘Hòa Bình Quan” vì dù được củng cố vô cùng vững chắc nhưng may mắn tại nơi đây chưa từng xảy ra chiến loạn. 

Do được xây dựng trên sa mạc Gobi và là cực Tây của lãnh thổ Trung Quốc khi xưa nên ngoài tác dụng phòng thủ, cửa ải này còn là một trạm dừng quan trọng của Con đường Tơ lụa huyền thoại kết nối Trung Quốc với các nước Tây và Trung Á.



Một truyền thuyết nổi tiếng đã kể lại chi tiết kế hoạch xây dựng cửa ải. Theo đó, khi Gia Dục Quan được lên kế hoạch, quan phụ trách đã yêu cầu Dịch Khai Chiêm - một nhà toán học lỗi lạc thời Minh đảm trách nhiệm vụ thiết kế cửa ải, ước lượng chính xác số gạch cần thiết. 

Dịch Khai Chiêm đưa ra con số là 99.999 viên gạch, tuy nhiên, vị quan nghi ngờ ước tính của ông và hỏi rằng số gạch như vậy có đủ không. 


Viên gạch thừa minh chứng khả năng tính toán “không thể tin nổi” của Dịch Khai Chiêm.

Chiều ý quan, Dịch Khai Chiêm đã thêm vào một viên gạch. Khi Gia Dục Quan hoàn thành, chính xác còn một viên gạch sót lại, viên gạch thừa này được đặt trên một cổng thành và hiện vẫn còn cho đến ngày nay.

Nguồn: Wikipedia, Chinaabc, Travelchinaguide
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày