Bí ẩn đám mây trên Sao Hỏa, đồng phục phát hiện "trốn học"

Lê Giang, Theo Mask Online 10:55 26/03/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Chile rung chuyển bởi động đất mạnh, phát hiện thêm một loài cá sấu mới, nguyên nhân tuyệt chủng của thú lớn ở Úc.


Chile rung chuyển bởi động đất mạnh


Cơ quan Địa chất Mỹ thông báo: một trận động đất có cường độ 7,1 độ richter đã xảy ra tại vùng Maule của Chile vào 18h37' ngày 25/3 theo giờ địa phương (tức 5h37' sáng nay theo giờ Việt Nam). Tâm chấn của động đất nằm ở độ sâu 34,8km và cách thủ đô Santiago khoảng 215km về hướng Nam. Nhiều tòa nhà ở thủ đô Santiago rung chuyển.

Tâm chấn của động đất nằm ở độ sâu 34,8km và cách thủ đô Santiago khoảng 215km về hướng Nam.

Những trận động đất có cường độ từ 7 độ richter trở lên có thể gây nên sóng thần. Vì thế, giới chức trách Chile đã yêu cầu người dân tại một số khu vực ven biển sơ tán do lo ngại sóng thần, song họ đã hủy mệnh lệnh sau khi hải quân Chile khẳng định đây không phải là kiểu động đất gây sóng thần. Một cơn địa chấn 8,8 độ richter từng xuất hiện ở miền trung Chile vào năm 2010 đã gây nên sóng thần khiến khoảng 500 người thiệt mạng.

Hiện, chính phủ Chile chưa công bố thiệt hại về người và tài sản do cơn địa chấn hôm qua gây nên. Trước đó, một trận động đất 5,1 độ richter đã xảy ra tại Santiago vào sáng 24/3, song không gây thương vong và thiệt hại lớn.

(Nguồn tham khảo: Dantri)

Đám mây bí ẩn trên Sao Hỏa


Theo MSNBC, camera tầm nhiệt của Mars Odyssey - phi thuyền đang bay quanh Sao Hỏa của Mỹ đã phát hiện ra một đám mây kì lạ. Jonathan Hill - nhà khoa học của Đại học Arizona (Mỹ) phát biểu: "Mây trên sao Hỏa không phải là điều mà giới khoa học chưa từng nghĩ tới, song đám mây này lớn hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng tôi". Ông cho biết, camera tầm nhiệt của phi thuyền có khả năng ghi hình những vật thể tỏa nhiệt trong ánh sáng nhìn thấy và ánh sáng hồng ngoại. Vì thế, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu cả cấu trúc của đám mây lẫn nhiệt độ của nó.

 Diện mạo Sao Hỏa vào ngày 22/3 (theo giờ Mỹ) và phần có đám mây được phóng to ở góc phía trên, bên phải.

Sự hiện diện của đám mây trên Sao Hỏa đang được thảo luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn về thiên văn. Sean Walker, một chuyên gia của tạp chí Sky & Telescope nói rằng, một nhà thiên văn nghiệp dư có tên Wayne Jaeschke tại bang Pennsylvania (Mỹ) là người đầu tiên trên mặt đất thấy một đám mây màu trắng trên hành tinh đỏ. Sau đó nhiều người khác xem lại những bức ảnh chụp Sao Hỏa từ ngày 12/3 và cũng phát hiện mây. Kích thước của đám mây đang giảm dần.

Nhiều giả thuyết được đưa ra, vài người đoán một thiên thạch đã lao vào Sao Hỏa và đám mây chính là bụi bốc lên sau vụ va chạm. Một số người khác cho rằng đó chỉ là kết quả của hiện tượng phản xạ ánh sáng. Giới khoa học nhận định, họ cần thêm dữ liệu từ các kính thiên văn lớn trên toàn thế giới để giải mã đám mây bí ẩn trên Sao Hỏa. Tuy nhiên, điều mà giới thiên văn chuyên nghiệp rút ra sau vụ việc là: Giới thiên văn nghiệp dư cũng có thể góp phần quan trọng vào việc phát hiện những điều thú vị trong vũ trụ.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Phát hiện thêm một loài cá sấu mới


Theo nhận định, loài cá sấu này sống cách đây 130 triệu năm, hộp sọ của nó được tìm thấy tại Swanage, Dorset, Anh quốc. Mẫu vật này được đặt tên Goniopholis kiplingi, theo tên của Rudyark Kipling, tác giả tiểu thuyết The Just So Stories. Richard Edmonds cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu thuộc Cơ quan Quản lý di sản Jurassic Coast World tìm thấy hộp sọ này hồi tháng 4/2009.


Là mẫu vật được bảo tồn khá hoàn hảo, nó đã được trường Đại học Briston mượn và người trực tiếp nghiên cứu là Marco Brandalise de Andrade. Nhà khoa học này đã cẩn thận so sánh với các mẫu vật khác được thu thập từ khắp nơi trên thế giới. Máy CT Scanner đã giúp quét sâu vào bên trong cấu trúc hộp sọ để xác định những điểm khác biệt giữa nó với những mẫu mà các nhà khoa học đã thu thập trong vòng 200 năm qua.
(Nguồn tham khảo: Physorg)

Đồng phục thông minh theo dõi học sinh bỏ học


Giám đốc Sở giáo dục thành phố Sao Paulo - ông Coriolano Moraes cho biết, 20.000 học sinh tại 25/213 trường công lập ở thành phố Vitoria da Conquista sẽ bắt đầu mặc áo đồng phục gắn chíp máy tính có “nhiệm vụ” báo động kịp thời đến các bậc phụ huynh nếu con của họ bỏ học trong thời gian tới.


Tới năm 2013, tất cả các học sinh tại 43.0000 ngôi trường công lập của thành phố Sao Paulo ở độ tuổi từ 4 đến 14 tuổi sẽ được gắn các con chíp vào áo đồng phục. “Đồng phục thông minh” sẽ thông báo với các bậc phụ huynh khi con của họ trốn học bằng cách gửi một tin nhắn bằng văn bản tới điện thoại di động của họ. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng tiếp tục nhận được thông báo nếu con em của mình không có mặt trong lớp sau 20 phút khi tiết học được bắt đầu. Tuy nhiên, một học sinh vắng mặt tới 3 lần thì phụ huynh sẽ phải giải thích về sự vắng mặt của con mình.

Hiện tại, chính quyền thành phố Sao Paulo đã đầu tư 670.000 USD (khoảng 13,9 tỷ VNĐ) để thiết kế, thử nghiệm và gắn chíp vi mạch vào áo đồng phục của học sinh. Những con chíp được gắn ở bên dưới cánh tay áo của mỗi học sinh hoặc một trong hai ống tay áo bên dưới với một câu thành ngữ: “Giáo dục không biến đổi thế giới. Giáo dục thay đổi con người và con người biến đổi thế giới”.

Cũng theo ông Moraes, những chiếc áo đồng phục học sinh có thể giặt và là mà không làm hỏng các con chíp. Hơn nữa, các con chíp này có một hệ thông an ninh mà việc can thiệp hay phá hỏng của học sinh dường như là điều không thể. Thành phố Vitoria da Conquista là thành phố đầu tiên ở Brazil và “có thể là nơi đầu tiên ở trên thế giới” sử dụng thiết bị này.
(Nguồn tham khảo: Datviet)

Các loài thú lớn ở Úc tuyệt chủng "do con người"


Theo nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí Science công bố, chính con người đã săn bắt dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài thú lớn ở Úc cách đây 40.000 năm. 

Trước đây, sự tuyệt chủng trên diện rộng của nhiều loài động vật có xương sống khổng lồ ở Úc đã gây không ít tranh cãi. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra, trong đó có giả thuyết biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu các mẫu phân có niên đại 130.000 - 41.000 năm trước (thời điểm con người xuất hiện ở Úc), cũng như qua phân tích các mẩu than và phấn hoa, các nhà khoa học kết luận hoạt động săn bắn của con người và hỏa hoạn mới là nguyên nhân.

Chính con người đã săn bắt dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài thú lớn ở Úc cách đây 40.000 năm.

Cụ thể, khi nghiên cứu các mẩu than và phấn hoa lấy từ miệng núi lửa Lynch's - một miệng núi lửa chứa đầy trầm tích ở Queensland và được bao quanh bởi các khu rừng mưa nhiệt đới, họ phát hiện vào thời điểm các loài thú lớn ở Úc bị tuyệt chủng, không có quá trình thay đổi khí hậu nào diễn ra. Thay vào đó, họ nhận thấy số các vụ cháy tăng lên trong thời kỳ này.

Loài kangaroo ăn cành non nay đã biến mất.

Các nhà khoa học cho rằng dựa vào những điều đó, có thể kết luận chính con người đã săn bắn làm quần thể động vật lớn tuyệt chủng, kéo theo những biến đổi lớn về sinh thái học. Quần thể động vật lớn gồm loài kangaroo lớn cao đến 3m, sư tử có túi, các loài chim và bò sát khổng lồ.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày