1. Tại sao gãi lại hết ngứa?
Đó là câu hỏi từng làm cho các nhà khoa học nhức đầu và tranh cãi nhiều lần để tìm được
lý giải phù hợp. Nhưng chuyện này dường như đã ngã ngũ với phát hiện của các nhà nghiên cứu tại trường ĐH Minnesota (Mỹ).
Trước đây, các nhà khoa học đã xác định được một khu vực đặc biệt trong cột sống có vai trò chủ chốt trong việc gây cảm giác ngứa trên cơ thể. Hoạt động của các tế bào ở khu vực cột sống kể trên trở nên “sôi động” hơn nhiều khi các chất gây ngứa được “đổ” lên da.
Ở cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, hành động gãi ở vùng da bị ngứa sẽ ngăn chặn hoạt động của các tế bào kể trên, khiến cho cột sống không thể gửi tín hiệu từ vùng da bị gãi lên não được. Từ đó, ta sẽ không thấy ngứa nữa.
Phát hiện này hy vọng có thể mở đường cho việc lần đầu tiên tìm ra một cách thức hiệu quả để chữa trị chứng ngứa kinh niên, vốn do nhiều loại bệnh khác nhau gây ra.
2. Tại sao tóc lại bạc?
Đã có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, song mãi đến gần đây các nhà khoa học của ĐH Bradford (Anh) mới có thể vén được bức màn bí mật về hiện tượng này.
Nguyên nhân gây nên tóc bạc là chất hydrogen peroxide, hay còn được gọi nước oxy già - được tạo nên trong chân tóc. Khi chất này được tích tụ quá nhiều sẽ gây ức chế việc sản xuất melanin (sắc tố tạo màu tóc cũng như da và mắt) dẫn đến tóc bị bạc.
Bình thường cơ thể vẫn tạo ra một số lượng hydrogen peroxide. Nhưng ở người trẻ tuổi, chúng bị chất enzyme catalase phân hóa nhanh chóng nên tóc không bị thiếu melanin.
Vì vậy, tóc vẫn giữ được màu sắc bình thường theo gene của cha mẹ để lại. Nhưng càng lớn tuổi, số lượng catalase trong các tế bào bị giảm nên số lượng hydrogen peroxide tăng cao dẫn đến tóc bạc.
Dĩ nhiên còn nhiều yếu tố khác như hút thuốc lá, bệnh tật kinh niên, ô nhiễm, stress… cũng làm cho catalase bị giảm sút. Di truyền cũng giữ một vai trò rất quan trọng vì nhiều người có hiện tượng tóc bạc rất sớm cũng như có người gần như không bị bạc tóc. Và cả hai trường hợp này không ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
Việc tìm ra nguyên nhân gây tóc bạc này có thể mở đường cho việc chế tạo ra một loại thuốc uống giúp mái tóc bạc sẽ đen hay nâu trở lại. Hay độc đáo hơn, nó sẽ giúp nhiều người có nhu cầu biến da đen, da vàng thành da trắng hay mắt nâu thành mắt xanh… tùy theo số lượng melanin ảnh hưởng lên mắt và da.
Khi tay, chân của chúng ta bị ngâm trong nước, những nếp nhăn sẽ dần hình thành ở đầu các ngón tay và ngón chân. Giới khoa học từng cho rằng, hiện tượng nhăn da này bắt nguồn từ việc lớp da ngoài cùng hấp thụ và căng phồng nước. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây hé lộ, hệ thần kinh kiểm soát việc nhăn da bằng cách co rút các tế bào máu phía dưới da.
Một chuyên gia sinh vật học tiến hóa tại ĐH Newcastle (Anh) cho hay: “Hiện tượng quen thuộc với mọi người không phải là dạng tác dụng phụ của bản chất da trên ngón tay, ngón chân, mà là đặc điểm chức năng có thể đã được chọn lọc trong quá trình tiến hóa”.
Các nhà khoa học nhận định, việc “nhăn nheo” này gây biến đổi các đặc tính da giúp ngón tay cầm nắm tốt hơn trong điều kiện ẩm ướt. Đây có thể là đặc điểm tiến hóa giúp con người thu lượm thực phẩm từ cây cối ẩm ướt hoặc sông suối.
Việc hiệu ứng này cũng xảy ra đối với các ngón chân cho thấy, đây có thể là lợi thế giúp tổ tiên chúng ta di chuyển tốt hơn dưới trời mưa.
Các nhà khoa học phát hiện thêm rằng, các ngón tay nhăn nheo dường như không tạo khác biệt nào khi cầm nắm các vật khô. Điều này đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta không tiến hóa để sở hữu những ngón tay nhăn nheo vĩnh viễn?
Phỏng đoán ban đầu của họ là, hiện tượng này có thể làm giảm sự nhạy cảm ở các đầu ngón tay hoặc có thể tăng nguy cơ tổn thương khi cầm nắm các vật.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Cracked, Discovery News, Lifeslittlemysteries, Livescience...
Bạn có thể xem thêm: