Nếu là người có ngoại hình ở mức trung bình, chắc hẳn bạn cũng đôi lần chạnh lòng khi ngắm nhìn những người có vẻ ngoài "rực rỡ": thân hình quyến rũ, phong thái tự tin và trên hết là sở hữu gương mặt đẹp hoàn hảo.
Nhưng hãy tạm bỏ qua cái cảm giác đó. Bạn có biết rằng có một loại ảo ảnh thị giác có thể biến mọi gương mặt - dù là xinh đẹp đến đâu - thành... dị nhân? Và có thể điều này sẽ giúp bạn thay đổi lại khái niệm về sự quyến rũ vì nó quá dễ dàng để tan biến.
Không tin ư? Hãy cùng thử xem qua video dưới đây. Chú ý nhìn tập trung vào dấu cộng ở giữa màn hình nhé.
Trong thí nghiệm, 2 gương mặt rất bình thường được đặt ở khoảng cách sao cho chạm đến "tầm nhìn ngoại vi" của mắt (hay hai biên của mắt). Sau đó, những gương mặt này sẽ được thay thế rất ngẫu nhiên, nhưng khi chúng ta nhìn vào dấu cộng ở giữa, các gương mặt bắt đầu... biến dạng, trở nên xấu xí.
Và bạn biết không, ngay cả đối với diễn viên nổi tiếng, hiện tượng này cũng xảy ra.
Tại sao lại kỳ lạ vậy? Câu trả lời đến từ "Hiệu ứng gương mặt biến dạng khi chiếu nhanh" (Flashed Face Distortion Effect).
Hiệu ứng "làm mặt xấu"
Hiệu ứng này được tìm ra một cách hoàn toàn tình cờ vào năm 2011 bởi một sinh viên đại học tên Sean Murphy (Mỹ), khi anh này đang "nghịch" một số bức ảnh trong phòng thí nghiệm.
Hiệu ứng này được lý giải là do hệ quả từ quá trình phân tích so sánh 2 khuôn mặt trong não bộ. Thông thường, khi nhìn thẳng, não bộ sẽ quét từ từ các chi tiết trên gương mặt để nhận diện.
Những gương mặt rất bình thường sẽ bị biến dạng sau hiệu ứng này
Tuy nhiên khi chạm đến tầm nhìn biên của mắt, các thông tin sẽ được xử lý nhanh hơn. Chưa kể, việc đặt 2 gương mặt cạnh nhau sau đó thay đổi liên tục sẽ khiến những khác biệt trên gương mặt trở nên thật nổi bật.
Do đó, hầu hết các đặc điểm giúp phân biệt người với người như cằm bạnh, trán cao, gò má cao... đều bị biến dạng.
Kể cả những "nam thần" như Tom Cruise cũng sẽ chung số phận...
Nhưng đó mới chỉ là lý giải sơ bộ. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu về hiệu ứng này.
Theo tiến sĩ Matthew Thompson thuộc ĐH Queensland (Úc), việc hiểu được hiệu ứng "mặt xấu" sẽ giúp chúng ta lý giải được rất nhiều điều về cách hệ thống thị giác của con người hoạt động.
Nguồn: Science, Matthew B. Thompson blog