Vẫn biết rằng não bộ của con người là một bộ phận rất phức tạp, nhưng rõ ràng sự phức tạp này đôi lúc còn trở nên vô cùng kỳ quặc, thậm chí là quái đản.
Cái sự quái đản đó được thể hiện qua rất nhiều sự vật, sự việc mà đến nay - dù đã rất cố gắng - nhưng các nhà khoa học vẫn không thể hiểu vì sao não bộ lại có những cơ chế kỳ quặc đến như vậy.
1. Não bộ "ngược đãi" hệ tiêu hóa mỗi ngày
Chắc hẳn bạn cũng từng rơi vào cảnh "no bụng đói con mắt" đúng không? Thậm chí ngay cả khi đã được ăn một bữa ngập mồm mà nhìn thấy cái thứ trong bức ảnh dưới đây, chắc hiếm người có thể cầm được lòng.
Đây dường như chỉ là một hiện tượng bình thường ai cũng có thể gặp phải, nhưng rõ ràng nó cũng chứng minh não bộ của chúng ta là một nơi rất... dở hơi.
Thực vậy: hệ tiêu hóa của con người có một thứ gọi là "ngưỡng no". Khi ăn đủ độ, dạ dày sẽ phát ra tín hiệu gửi đến não bộ để thông báo điều này. Đó là lý do chúng ta cảm thấy no.
Tuy nhiên, chỉ cần nhìn thấy một món ăn có ngoại hình hấp dẫn, não bộ lại tiết ra một số hóa chất khiến chúng ta cảm thấy thèm ăn và làm thêm vài miếng. Việc này giống như não bộ tìm cách thỏa mãn cái mồm, nhưng đồng thời ngược đãi dạ dày của chúng ta vậy.
Việc ăn quá no tất nhiên không hề có lợi, dễ gây rối loạn hệ tiêu hóa và tăng cân. Chính vì thế, một nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, bịt mắt khi ăn sẽ giúp chúng ta cảm nhận ngưỡng no một cách chính xác nhất, giúp giảm cân nhanh chóng.
2. Não bộ không chịu tiến hóa sau hàng ngàn năm
Trong hàng triệu năm kể từ khi xuất hiện, con người chúng ta phải di chuyển rất nhiều. Nhưng kỳ lạ một điều: sự chuyển động có thể khiến chúng ta "say".
Khi chúng ta chạy, đôi chân, mắt và bộ phận giữ thăng bằng trong ốc tai đều xác nhận chuyện đó.
Tuy nhiên khi di chuyển bằng xe, tàu điện, tàu thủy... thì chỉ có tai hoạt động, xác định rằng cơ thể đang di chuyển nhanh. Còn mắt vẫn mặc định rằng chúng ta đang đứng yên.
Đây chính là điểm vô lý của não bộ. Các tín hiệu đối lập nhau từ tai và mắt sẽ chuyển đến não bộ, và "ông não" mặc định luôn đây là tín hiệu của chất độc. Hệ quả là cơ thể sẽ phản ứng bằng cách nôn ra.
3. Thỉnh thoảng, não bộ quên luôn chuyện thức dậy
Một giấc ngủ thông thường của con người trải qua 4 giai đoạn, trong đó có giai đoạn ngủ sâu - còn gọi là ngủ với mắt dao động (REM - Rapid eye movement sleep).
Trong giai đoạn REM, não bộ trên thực tế hoạt động y như lúc chúng ta thức. Lý do khiến cơ thể không hoạt động lúc này là vì não đã tắt hệ thống vận động của cơ thể.
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ đôi lúc, não bộ quên mất chuyện phải kích hoạt lại hệ thống này khi chúng ta tỉnh dậy, và đó là khi bạn bị "bóng đè".
Các chuyên gia cho biết thực ra não bộ đã cố tình quên đi. Sau giai đoạn REM, não bộ cần tập trung năng lượng để kích hoạt các khu vực liên quan đến tư duy và bỏ qua luôn phần cơ bắp. Và tất nhiên, những người đã từng bị bóng đè sẽ hiểu cái sự vô lý này của não bộ thực sự không dễ chịu chút nào.
4. Não bộ thường xuyên "tự sướng" bằng cách thay đổi ký ức mà ta không hay biết
Hầu hết mọi người đều tự tin vào trí nhớ của bản thân. Điều này cũng tốt, nhưng thực chất trí nhớ của bạn không hề như những gì bạn tưởng tượng đâu.
Nguyên nhân là vì não bộ của chúng ta thường xuyên tự can thiệp vào các mảng ký ức. Nguyên nhân là vì mỗi khi nhớ lại một điều gì đó, những neuron thần kinh lại hoạt động y như khi tạo ra một ký ức mới. Chính vì thế, các thông tin bên ngoài sẽ khiến ký ức trở nên sai lệnh.
Hơn nữa, não bộ có xu hướng "tưởng tượng" ra một ký ức khác để khiến cho nhân vật chính trở nên "cool ngầu" hơn một chút.
5. Não thường xuyên nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt ở khắp nơi
Để nhìn được, não bộ phải thực hiện rất nhiều bước phân tích xử lý thông tin. Trong đó, dường như có riêng một khu vực chuyên để phân tích các gương mặt. Điều này cũng không có gì lạ, khi chúng ta hàng ngày nhìn thấy rất nhiều gương mặt khác nhau.
Nhưng vấn đề là ở chỗ, chúng ta có thể nhìn đâu cũng ra gương mặt: nhìn mây, đá, gỗ, thậm chí là cả thứ này...
Có rất nhiều giả thuyết khác nhau về hiện tượng này được đưa ra, tuy nhiên giả thuyết của Carl Sagan – nhà vật lý, thiên văn học người Mỹ - là được nhiều người chấp thuận nhất.
Trong một cuốn sách của mình, Sagan giải thích rằng khả năng xác định nguy hiểm ở khoảng cách xa, hoặc trong điều kiện tầm nhìn hạn chế là điều kiện tối quan trọng quyết định sự sống còn của loài người cổ xưa.
Tổ tiên của chúng ta khi nhìn thấy một điều mà họ nghĩ là nguy hiểm, họ sẽ bỏ chạy, và tất nhiên họ sống sót. Những người không quan tâm đến mối nguy hiểm đó có thể sẽ chết. Ông viết: "Thà bỏ chạy không lý do, còn hơn hối tiếc vì mình đã không bỏ chạy".
Nguồn: Buzz Feed