Sang tới thế kỷ 21, khoa học kỹ thuật của nhân loại có những bước phát triển thần kì. Chúng ta có những vật liệu mới, những sản phẩm công nghệ trong mơ và trong lĩnh vực xây dựng, loài người cũng đã tạo ra những kì quan đáng kinh ngạc.
1. Kỳ quan cây cầu nước Magdeburg - thủy lộ dài nhất thế giới
Cây cầu dẫn nước Magdeburg là một công trình tại Đức cho phép kết nối kênh đào Elbe-Havel với kênh đào Mittelland. Nó cho phép tàu, thuyền vượt qua sông Elbe rất nhanh và dễ dàng. Với chiều dài 918m, đây được xem là chiếc cầu dẫn nước dài nhất thế giới. Nếu nhìn từ trên xuống cây cầu dẫn nước này giống như một dòng sông nằm trên 1 dòng sông khác vậy.
Trước khi chiếc cầu dẫn nước Magdeburg được hoàn thành, các con tàu muốn di chuyển giữa 2 kênh buộc phải thực hiện một đường vòng 12km và quãng đường đi cũng rất khó khăn. Sau khi có chiếc cầu, thời gian vận chuyển, nhất là vận chuyển hàng hóa được giảm rất nhiều.
Cây cầu liên kết đặc biệt này được bắt tay vào xây dựng từ đầu những năm 1930 nhưng bị trì hoãn do chiến tranh thế giới thứ II cho đến năm 1997. Cuối cùng, thủy lộ này được hoàn thành và mở cửa hoạt động vào năm 2003. Từ đó, Magdeburg trở thành một địa điểm giao thông thú vị thu hút rất nhiều khách du lịch.
2. Blue Marlin - con tàu “bự con” nhất thế giới
Blue Marlin là một chiếc tàu vận tải bán ngầm hạng nặng với những thông số khổng lồ khiến mọi người kinh ngạc: chiều dài 217m, chiều cao ở trên mặt nước 42m và sở hữu boong tàu có kích cỡ bằng 2 sân bóng đá. Tàu vận hành nhờ động cơ diesel 17.000 mã lực và đạt vận tốc tối đa 24km/h.
Nhiều người mô tả, việc lái con tàu khổng lồ này giống như kiểm soát một con robot khổng lồ trong các phim khoa học viễn tưởng. Với trọng tải 75.000 tấn, thay vì chở các hàng hóa thông thường như tivi, đồ chơi, cà phê, đồ gia dụng - điện tử, tàu Blue Marlin thường được giao nhiệm vụ “cõng” trên lưng các tàu thuyền nhỏ hơn và cả các giàn khoan dầu.
Blue Marlin được hạ thủy lần đầu tiên vào năm 1999 và hiện là tàu vận tải hạng nặng lớn nhất trên thế giới. Cho đến nay, nó đã giữ kỉ lục vận chuyển của ngành hàng hải khi mang vác giàn khoan Thunder Horse của hãng BP, trị giá gần 1 tỷ USD (gần 21 nghìn tỷ VNĐ) và nặng 60.000 tấn, đi suốt quãng đường gần 25.750km từ Hàn Quốc tới Vịnh Mexico.
Chúng mình cùng xem clip sau để hiểu hơn về cơ chế hoạt động của con tàu "bự con" nhất thế giới này nhé!
3. Turbine gió
Turbine gió là máy dùng để biến đổi động năng của gió thành cơ năng. Các nước ở châu Âu đã hợp tác để xây dựng hệ thống lưới điện năng lượng tái tạo. Hệ thống này sẽ kết nối các turbine ở ngoài bờ biển Scotland với các tấm thu năng lượng Mặt trời lớn ở Đức, kết nối năng lượng tạo ra từ những con sóng đổ vào bờ biển Đan Mạch và Bỉ với các đập thủy điện ở Na Uy. Một công nghệ cung cấp lượng điện năng khổng lồ và đặc biệt là nó rất "xanh".
Dự án lưới điện năng lượng tái tạo đầu tiên của châu Âu đã trở thành hiện thực hồi tháng 1/2010 khi nhiều quốc gia chính thức phác thảo các kế hoạch kết nối những dự án năng lượng sạch quanh Biển Bắc.
Tháng 9/2010, Anh đã khai trương trang trại năng lượng gió lớn nhất thế giới tại Thanet, ngoài khơi bờ biển vùng Kent. Với 100 turbine được đặt thành 8 hàng, trang trại này tạo ra lượng điện đủ dùng cho khoảng 200.000 hộ gia đình.
Công nghệ cung cấp lượng điện năng khổng lồ và rất "xanh" này hoạt động ra sao nhỉ? Chúng mình cùng theo dõi clip dưới đây để hiểu hơn về nó nhé!