Phòng thí nghiệm này luôn hoạt động 24/7, tiếp nhận 1.500 mẫu vật được chuyển tới từ ĐH Chulalongkorn - ngôi trường hàng đầu xứ Chùa Vàng. Lúc phóng viên Sky News (Anh) có mặt, một số mẫu vật đang được chuyển vào trong những hộp màu trắng, dán nhãn “nguy hiểm”.
Mẫu vật được phân loại trước khi chuyển vào cho các cộng sự mặc đồ bảo hộ ở phòng bên trong. Họ còn đeo sẵn găng tay, khẩu trang, kính… để đảm bảo an toàn.
Virus lúc này vẫn còn hoạt động mạnh, nguy hiểm, cần phải đưa về trạng thái "nghỉ" trước khi phân tích ADN. Tiếp theo là xác định xem chúng có phải virus corona chủng mới hay là một loại gây bệnh truyền nhiễm khác.
* Để hiểu về biết cách phòng chống chủng virus corona mới này, bấm vào đây.
Đến nay, “biệt đội săn virus” đã giúp cắt giảm thời gian xét nghiệm từ 2 ngày xuống còn khoảng 3 giờ đồng hồ. “Điều này không chỉ tốt cho bệnh nhân mà còn giúp chính phủ kiểm soát dịch, hạn chế lây lan” - nữ chuyên gia Supaporn Watcharaprueksadee cho biết.
Cô Supaporn có kinh nghiệm phong phú về virus, cũng như từng nghiên cứu trên dơi, khỉ, động vật gặm nhấm - những vật chủ mang virus corona, cúm và ebola.
Hồi tháng 1, chính bác sĩ Supaporn là người xác định ca nhiễm virus corona đầu tiên ở Thái Lan. Đến ngày 6/2, nước này có 25 người nhiễm bệnh, trong đó 9 người được chữa khỏi. Phòng thí nghiệm nơi bác sĩ Supaporn làm việc là 1 trong 2 đơn vị duy nhất xác định các trường hợp dương tính virus 2019-nCoV. Những nơi khác ở Thái Lan chỉ giúp khoanh vùng, phát hiện ca khả nghi.
Ngoài ra, phòng thí nghiệm còn đang nghiên cứu về cách chữa trị 2019-nCoV trong tương lai. “Chúng tôi vừa giải mã bộ gen của virus corona, từ đó hứa hẹn điều chế thuốc và vắc-xin một cách chuẩn xác. Chúng tôi cũng dựa vào bộ gen để giám sát trường hợp virus đột biến” - bác sĩ Supaporn nói.
Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, “biệt đội săn virus” gánh trên vai trách nhiệm rất lớn. Họ không có ngày nghỉ và thường xuyên thiếu ngủ. “Sau khi dịch bùng phát chúng tôi chỉ ngủ tầm 4-5 tiếng mỗi ngày” - một nhà khoa học chia sẻ.
“Biệt đội săn virus” ở Thái Lan đã chuẩn bị tâm lý phải làm việc hết sức lực trong nhiều tháng tới, nhưng họ tự hào vì điều đó. Họ hiểu rằng nghiên cứu của mình không chỉ giúp kiểm soát dịch bệnh trong nước mà còn đóng góp cho toàn thế giới.
(Nguồn: Sky News)