Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của du khách từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ bởi những danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, nền ẩm thực phong phú mà còn bởi sự đa dạng trong văn hóa và phong tục tập quán. Các vị du khách quốc tế đến đây không chỉ muốn tham quan, khám phá mà còn muốn thử nghiệm những trải nghiệm độc đáo, đôi khi là những điều rất quen thuộc với người Việt nhưng lại hoàn toàn mới lạ với họ.
Như mới đây, một vị khách Tây đã có một trải nghiệm đáng nhớ khi thử một tục ăn uống truyền thống của người Việt. Chỉ ít phút sau khi nếm thử, anh rơi vào trạng thái xây xẩm mặt mày, khiến nhiều người vừa thương vừa buồn cười.
Hóa ra, anh đã thử ăn trầu cau - một thói quen phổ biến trong văn hóa Việt Nam từ xưa đến nay. Được biết, anh Tây này đã tham dự một sự kiện và khi có hoạt động thử ăn trầu cau, anh lập tức tham gia.
Thế nhưng từ sự hào hứng ban đầu, ngay khi bắt đầu nhai miếng trầu, anh Tây đã dần nhằn mặt lại. Vị khách Tây này miêu tả lại rằng miếng trầu có vị rất đắng. Nhưng điều bất ngờ hơn cả là chỉ sau vài phút, anh bắt đầu cảm thấy chóng mặt, lâng lâng - cảm giác mà nhiều người gọi là "say trầu". Đây là một hiện tượng quen thuộc với những ai lần đầu tiên thử ăn trầu, do các thành phần có trong lá trầu và quả cau gây kích thích nhẹ.
Khoảnh khắc này nhanh chóng thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người Việt (nhất là các bạn trẻ) còn phải thốt lên rằng dù sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, họ vẫn chưa từng thử ăn trầu cau. Một số bình luận hài hước cho rằng vị khách Tây này quá can đảm khi dám thử một trải nghiệm mà ngay cả nhiều người Việt cũng e ngại. Khi được hỏi về cảm giác sau khi ăn, anh chỉ trả lời ngắn gọn bằng một từ: "Đắng!".
Tục ăn trầu cau đã có từ rất lâu và gắn liền với đời sống văn hóa của người Việt. Không chỉ là một thói quen ăn uống, trầu cau còn mang ý nghĩa gắn kết, thể hiện sự hiếu khách và tôn kính trong giao tiếp. Trầu cau cũng xuất hiện trong nhiều nghi lễ quan trọng như cưới hỏi, cúng lễ và các dịp đặc biệt.
Lá trầu được têm kèm với vôi, sau đó sẽ ăn cùng cau bổ miếng và một chút vỏ chay (cây chay). Khi nhai, các thành phần này kết hợp với nhau tạo ra một phản ứng hóa học, khiến miếng trầu chuyển sang màu đỏ đặc trưng. Ngoài vị cay nồng, đắng chát ban đầu, trầu cau còn có tác dụng kích thích nhẹ, đặc biệt với những người chưa quen.
Ngày nay, dù tục ăn trầu không còn phổ biến như trước, nhưng nó vẫn là một phần không thể thiếu trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Với nhiều người nước ngoài, đây thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ, dù không phải ai cũng dám thử.
(Nguồn: @willinvietnam)
Châu Anh