Kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát, đề nghị truy tố 34 bị can

Chi Chi, Theo Đời Sống Pháp Luật 21:15 05/06/2024

Bộ Công an thông báo kết thúc điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB.

Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham những, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an(C03) là đơn vị thụ lý điều tra vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền, Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới" xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, thông báo:

Căn cứ khoản 4 Điều 232 Bộ luật Tố tụng hình sự, Bản Kết luận điều tra vụ án hình sự số 13/QĐ-CSKT-P2 ngày 29/5/2024 và đề nghị truy tố đối với 34 bị can về 03 tội danh: (1) Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, (2) Rửa tiền và ((3) Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới quy định tại Điều 174, Điều 324 và Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thông báo cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là bị hại, đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan biết việc kết thúc điều tra vụ án hình sự nêu trên.

Trước đó, sau hơn 1 tháng xét xử, chiều 11/4, TAND TP.HCM đã tuyên án đối với 86 bị cáo trong đại án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, HĐXX tuyên tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan; tù chung thân 4 bị cáo, các bị cáo còn lại nhận mức án từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 20 năm tù.

Tòa nhận định, thực chất bị cáo Lan là chủ SCB, có quyền điều hành cao nhất tại SCB. Bị cáo Lan không chỉ chi phối về tài chính mà còn chi phối cả nhân sự của SCB.

Dù không quản lý điều hành trực tiếp nhưng bị cáo Lan có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB.

Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hóa đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB.

Về thiệt hại của vụ án, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.

Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày