Di sản thế giới là khái niệm chỉ những địa danh nỏi tiếng, mang giá trị lịch sử và thẩm mỹ của các quốc gia. Và trong số này có rất nhiều địa danh được công nhận là di sản nhờ sở hữu những dòng sông băng mang tính biểu tượng.
Như sông băng Jakobshavn của đảo Greenland, sông băng Khumbu của Nepal, hay sông băng Aletsch của Thụy Sĩ... tất cả đều được công nhận là di sản thế giới.
Tuy nhiên theo báo cáo mới nhất của IUCN (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế) và ĐH ETH Zurich (Thụy Sĩ), phân nửa số sông băng di sản hiện nay sẽ có nguy cơ biến mất vĩnh viễn vào cuối thế kỷ 21, nếu như lượng khí nhà kính trên toàn cầu hiện nay không được kiểm soát.
Được biết, đây là nghiên cứu đầu tiên về các dòng sông băng nằm trong di sản thế giới. Theo đó thì ngay cả khi lượng khí nhà kính được duy trì ở mức thấp, sẽ có ít nhất 8 di sản thế giới không còn sông băng nữa. Tính theo tỷ lệ, sẽ có 33 - 60% mật độ băng biến mất.
Nhiều di sản thiên nhiên có sông băng làm biểu tượng sẽ biến mất
Để có kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã kết hợp mô hình máy tính với kho dữ liệu về sông băng trên toàn cầu, nhằm dự đoán xu hướng của chúng trong tương lai. Tổng cộng, có hơn 19.000 sông băng nằm trong danh sách di sản của UNESCO được đưa ra so sánh.
Danh sách di sản thiên nhiên thế giới hiện có 247 địa điểm, 46 trong số đó được bao phủ bởi các dòng sông băng. Và theo kết quả nghiên cứu, sẽ có 21 địa danh mất đi lượng băng giá vốn có vào năm 2100.
Sông băng đổ sập khiến con đường bằng băng cũng biến mất
Theo dự đoán, một trong số những dòng sông băng lớn nhất thế giới là Los Glaciares của Argentina sẽ mất 60% lượng băng. Con sông nổi tiếng Mont Perdu tại châu Âu thì sẽ sớm biến mất vào năm 2040. Còn tại Bắc Mỹ, 70% sông băng của núi Rocky cũng tan biến vào năm 2100.
Các chuyên gia cho biết, sông băng là một trong những yếu tố quan trọng đối với hệ sinh thái toàn cầu. "Không chỉ mang tính biểu tượng, đó còn là một thảm họa về thiếu hụt nguồn nước, khiến nước biển dâng lên, và gây biến đổi thời tiết mạnh trong từng khu vực," - Peter Shadie, giám đốc chương trình Di sản Thế giới của IUCN cho biết.
"Các quốc gia cần nhah chóng cam kết chống biến đổi khí hậu, nhằm lưu giữ những di sản này cho thế hệ tương lai."
Theo Jean-Baptiste Bosson - tác giả nghiên cứu, thì loài người hiện cần phải cắt giảm một lượng lớn khí nhà kính một cách nhanh chóng. "Đây là cách duy nhất để tránh trường hợp băng tan gây ra hậu quả không thể đảo ngược trong tương lai."
Tháng 11/2017, báo cáo của IUCN chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang gây hậu quả nghiêm trọng cho các di sản thiên nhiên thế giới. Và nay, báo cáo mới đang tái khẳng định lại điều đó, với mức độ nghiêm trọng hơn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Earth’s Future.