Trong thông cáo được đưa ra sau khi ra lệnh cấm xuất khẩu 250.000 liều vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca, Bộ Ngoại giao Italy cho biết, quyết định này được đưa ra “do việc thiếu hụt vaccine thường xuyên tại Italy và EU, sự chậm trễ của hãng dược AstraZeneca trong việc giao hàng cho Italy và EU cũng như số lượng lớn liều vaccine mà hãng này muốn xuất khẩu”.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Italy cũng cho biết “Australia không được coi là quốc gia đang gặp nhiều khó khăn”.
Đây là lần đầu tiên một quốc gia trong EU sử dụng cơ chế cấm xuất khẩu vaccine do Ủy ban châu Âu đưa ra hồi đầu năm nay nhằm cấm xuất khẩu vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất trong lãnh thổ EU. Cơ chế cấm này chủ yếu nhằm vào hãng dược phẩm AstraZeneca bởi thời gian qua EU và hãng dược phẩm này đã có những tranh cãi gay gắt khi AstraZeneca cho biết chỉ có thể cung cấp được 40 triệu liều vaccine cho EU trong quý 1/2021, dù trước đó đã cam kết sẽ cung cấp 120 triệu liều.
Tại Liên minh châu Âu, AstraZeneca có các cơ sở sản xuất vaccine đặt tại Hà Lan, Bỉ, Đức và Italy. Đối với Italia, số liều vaccine mà hãng này cung cấp ít hơn khoảng 15% so với cam kết ban đầu.
Hiện tại, sau hơn 3 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19, các nước EU đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng hỗn loạn do việc thiếu hụt nguồn cung vaccine, khiến chỉ có khoảng trên 10% dân số EU được tiêm vaccine, trong khi con số này tại Anh là trên 30%.
Trước sự chậm trễ và bị động của Ủy ban châu Âu, một số nước thành viên EU đã đơn phương hành động. Các nước như Hungary, CH Czech đã cho sử dụng vaccine Sputnik V của Nga dù loại vaccine này mới chính thức được Cơ quan dược phẩm châu Âu tiến hành nghiên cứu để phê duyệt từ ngày 4/3. Hai nước Đan Mạch và Áo đã bắt tay với Israel để nghiên cứu, sản xuất vaccine mới.
Ngoài việc thiếu hụt nguồn cung vaccine, sự chậm trễ trong việc phê duyệt các loại vaccine mới, chiến lược tiêm vaccine trong tổng thể EU cũng đang bị chỉ trích gay gắt vì sự thiếu đồng bộ và truyền thông thất bại.
Tại các nước như Đức, Pháp, đa số người dân không tin tưởng vaccine của hãng dược AstraZeneca nên đến đầu tháng 3/2021, có đến gần 2/3 số vaccine của AstraZeneca tại Đức và Pháp chưa được sử dụng. Chính quyền Pháp và Đức trước đó cũng từng ra khuyến cáo không tiêm vaccine AstraZeneca cho người trên 65 tuổi.
Tuy nhiên, sau khi có các kết quả khả quan tại Anh và Scotland, các nước Pháp, Đức, Bỉ đã thay đổi quyết định. Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel cho biết nước này sẽ sớm cho phép tiêm vaccine AstraZeneca cho những người cao tuổi.
“Có rất nhiều khả năng nhóm chuyên gia về sử dụng vaccine tại Đức sẽ phê chuẩn vaccine của AstraZeneca cho các nhóm người cao tuổi hơn và chúng tôi sẽ vui vẻ tuân theo chỉ dẫn đó. Các nghiên cứu mới nhất đã đưa ra bằng chứng cho việc này”, Thủ tướng Angela Merkel nói.