Dù sự kiện có thể đánh dấu bước chuyển mình của Apple đã diễn ra, vẫn còn là quá sớm để gọi Apple là một công ty dịch vụ. Chắc chắn, trong năm 2019 (và nhiều năm tới nữa), sản phẩm quan trọng nhất của Apple vẫn sẽ là những chiếc iPhone.
Mà nói về iPhone thì theo những tin đồn mới nhất, iPhone năm nay vẫn sẽ là bộ ba XS, XS Max và XR tái chế. Thay đổi lớn nhất của những chiếc iPhone này sẽ nằm ở cụm 3 camera, giống như Samsung và Huawei. Một số thay đổi tiềm năng khác bao gồm màn hình OLED cho thế hệ XR kế tiếp, Face ID được cải thiện, vỏ kính mờ và tính năng sạc cho AirPods/AirWatch (giống Galaxy S10).
Lại một thế hệ S tiếp theo
"Tai thỏ" của 2017 sẽ trở lại trong năm 2019.
Đọc đến đây thì bạn chắc hẳn đã nhận ra điểm thất vọng nhất về iPhone 2019: đây sẽ không phải là một thế hệ mang tính chất thay đổi toàn diện như iPhone X, iPhone 6 hay iPhone 4. Sẽ không có iPhone gập, không có iPhone tràn viền, tai thỏ vẫn sẽ ở lại, và có lẽ kích cỡ sẽ không thay đổi một chút nào cả.
Nói cách khác, kịch bản của năm 2016 sẽ lặp lại. Cho dù Tim Cook có thay đổi tên gọi hay không, về bản chất năm nay vẫn là một năm iPhone S. Sẽ không có sự thay đổi đáng kể về ngoại hình hay trải nghiệm, sẽ chỉ là bản cập nhật "chút đỉnh" của iPhone X (và XS) mà thôi.
Một thế hệ iPhone như vậy rõ ràng sẽ khiến cho người hâm mộ thất vọng. Khi doanh số iPhone đã có dấu hiệu giảm sút, sự thất vọng đó có thể sẽ khiến cổ phiếu của Apple gặp ảnh hưởng nặng nề.
Nếu bạn đã từng thất vọng với XS, hãy chuẩn bị tinh thần...
Nhưng với Tim Cook thì đó lại là một nước đi hoàn hảo. Lý do đơn giản là bởi, trong thời đại bão hòa như hiện nay, Apple không nên tung ra những bản cập nhật một cách quá thường xuyên.
Vẫn sẽ sống tốt
Tại sao lại có chuyện ngược đời ấy? Thị trường càng bão hòa, doanh số suy giảm thì Tim Cook lại nên trì hoãn nâng cấp iPhone ư?
Dễ hiểu thôi, vì Apple là... Apple. Trong năm vừa qua, doanh số suy giảm nhưng trong quý 4 Apple vẫn thu về 84 tỷ USD, cao hơn cả doanh thu của Huawei và Xiaomi trong nửa đầu năm cộng lại. Có suy giảm thì Apple vẫn sống tốt, vì iFan vẫn tương đối đồng đều so với các hãng khác. iPhone 7 đã không thể khiến Apple gặp khó, liệu iPhone XI có thể khiến Apple khốn đốn không? Rõ ràng là không rồi.
Trước khi nói Apple lâm nguy, làm ơn hãy nghĩ đến VÀI CHỤC TỶ ĐÔ mà hãng này thu về mỗi quý.
Trong tình huống tệ nhất, Apple vẫn còn 250 tỷ USD dự trữ tiền mặt. Các mảng phụ trợ như Watch hay AirPods vẫn kinh doanh tốt. Mảng dịch vụ hứa hẹn sẽ bùng nổ. "Lầy lội" không ra mắt iPhone mới, Apple vẫn sẽ sống khỏe.
Vẫn là tôn chỉ lợi nhuận
Theo số liệu của Bernstein, chu kỳ nâng cấp smartphone của người dùng đã tăng từ 3 lên 4 năm. Ra mắt thiết kế mới quá thường xuyên sẽ chẳng giúp doanh số cải thiện đáng kể, thậm chí lại còn khiến chi phí R&D cũng như chi phí sản xuất của chuỗi cung ứng tăng cao. Chắc hẳn Tim Cook đã mang mọi thứ lên bàn cân và quyết định rằng, lặp lại chiến lược của iPhone 7 sẽ là khôn ngoan hơn cả.
Nâng chu kỳ làm mới là để giảm chi phí R&D và để giữ cho cơn sốt iPhone còn tiếp tục trong tương lai.
Quan trọng hơn, Tim Cook là kẻ luôn tính đến tương lai lâu dài. Sáng tạo cho smartphone thực tế đã... lao vào tường. Qua mỗi thế hệ, các sáng tạo mà bất kỳ một nhà sản xuất nào có thể mang lại trên không gian di động nhỏ hẹp đã ngày một ít ỏi hơn. Nếu ra mắt smartphone mới quá thường xuyên, mức độ cải thiện của mỗi thế hệ sẽ "loãng" hơn, mờ nhạt hơn. Bạn có thể nghĩ đến Galaxy S10 để dễ hình dung về kịch bản này: nếu mẫu Samsung đầu bảng đợi tới 2020 mới ra mắt, người dùng chắc chắn đã chán ngán màn hình Vô Cực loại "thường". Sức hút của Infinity-O vì thế sẽ gia tăng gấp bội.
Tim Cook rõ ràng là không muốn điều tương tự xảy ra. Nếu dồn nén các sáng tạo vào một thế hệ "hoàn toàn mới" ra mắt 3 năm một lần, Apple vẫn còn có thể tạo ra những cơn sốt mới cho iPhone. Chừng nào iPhone còn gây sốt, tình yêu của iFan với iPhone vẫn còn tồn tại, con đường sống của Apple vẫn còn được đảm bảo.