Indonesia có số ca mắc COVID-19 và tử vong/ngày cao nhất Đông Nam Á, các nước gia tăng số ca bệnh mới

Quỳnh Chi, Theo VTV 08:27 16/07/2021
Chia sẻ

Đến sáng 16/7, thế giới có trên 189,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,08 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,86 triệu ca mắc và hơn 624.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 21.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Sau nhiều tháng suy giảm, số người nhiễm mới, nhập viện tại Mỹ đã bật tăng trở lại. Biến thể Delta đang đặt ra thách thức mới cho nỗ lực chống dịch của Mỹ. Trong tuần qua, số ca nhiễm mới đang tăng cao ở giới trẻ tuổi, những người từ 30 đến 50 tuổi, thậm chí là ở trẻ em. Hiện chỉ có 25% trẻ em từ 12 - 15 tuổi ở Mỹ được tiêm chủng đầy đủ. Con số này với thiếu niên từ 16 - 17 tuổi là 37%. Giới chức y tế Mỹ lo ngại, ngay cả 25 triệu người Mỹ mới tiêm được 1 liều vaccine COVID-19 cũng có nguy cơ bị lây nhiễm do biến thể Delta. Hiện gần một nửa dân số Mỹ đã được tiêm đầy đủ vaccine.

Sự kết hợp giữa những người chưa tiêm chủng và biến thể Delta đã làm gia tăng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ. Tỷ lệ ca nhiễm mới trong tuần qua tại 31 bang tăng hơn 50% so với tuần trước. Số ca nhiễm mới tập trung ở các bang có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Missouri, nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Mỹ, là một trong số những bang đang gánh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do biến thể Delta gây ra.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/7, nước này ghi nhận hơn 39.000 ca mắc mới COVID-19 và 544 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 412.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 52.700 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 538.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,2 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 15/7, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 791 ca tử vong do COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong khi số ca mắc mới trong ngày vượt 25.000 trường hợp.

Số ca tử vong và mắc mới COVID-19 tại Nga có chiều hướng gia tăng do sự lây lan nhanh chóng biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và tiến độ tiêm chủng còn chậm. Tính đến nay, chỉ có khoảng 21% người dân Nga được tiêm vaccine COVID-19. Hiện các cơ quan chức năng Nga đang có những biện pháp bắt buộc đối với một số đối tượng và khuyến khích người dân tiêm vaccine. Nga hiện là điểm nóng dịch COVID-19 lớn thứ 3 thế giới với trên 5,88 triệu người mắc và hơn 146.000 trường hợp tử vong.

Tại Hà Lan, số ca mắc mới COVID-19 tại đây đã tăng vọt tới 500%, chỉ sau một tuần nước này dỡ bỏ các hạn chế chống dịch. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận trách nhiệm đã đánh giá sai tình hình và nới lỏng chống dịch quá sớm.

Trong 1 tuần trở lại đây, Hà Lan ghi nhận thêm gần 52.000 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng mạnh so với con số khoảng 8.500 trường hợp của một tuần trước đó. Trước làn sóng dịch bệnh mới, Chính phủ Hà Lan phải một lần nữa đóng cửa các câu lạc bộ đêm. Trong khi đó, các quán bar chỉ được phép mở cửa tới nửa đêm. Trước đó. Hà Lan tự tin nới lỏng chống dịch vì đã tiêm chủng cho phần lớn người dân. Tới nay, khoảng 11,1 triệu người tại Hà Lan đã tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, tương đương 65% dân số.

Chính quyền bang Victoria, bang đông dân thứ 2 của Australia, ngày 15/7 đã công bố lệnh phong tỏa khẩn cấp trên toàn bang trong 5 ngày, bắt đầu từ nửa đêm cùng ngày, để ngăn chặn việc bùng phát dịch COVID-19, do sự lây lan của biến thể Delta. Chiều 15/7, bang Victoria đã ghi nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, đưa tổng số ca nhiễm ở đây lên 18 ca chỉ trong 2 ngày qua.

Indonesia có số ca mắc COVID-19 và tử vong/ngày cao nhất Đông Nam Á, các nước gia tăng số ca bệnh mới - Ảnh 1.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Lan đã tăng vọt tới 500% (Ảnh: AP)

Số ca tử vong do COVID-19 đang tăng mạnh tại châu Phi, tăng hơn 40% so với tuần trước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong vì COVID-19 tăng nhanh ở Châu Phi là do số người nhập viện tăng nhanh. Các quốc gia Châu Phi đang phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy và giường chăm sóc đặc biệt.

Theo WHO, số ca tử vong tại châu Phi đã tăng lên hơn 6.000 người trong tuần này so với con số hơn 4.000 ca trong tuần trước. Sự gia tăng các ca bệnh xảy ra trong bối cảnh biến thể Delta vẫn lây lan mạnh, đã được phát hiện tại 21 quốc gia châu Phi.

Vượt qua Ấn Độ, Indonesia đã trở thành tâm dịch mới của châu Á với hơn 56.700 ca mắc mới COVID-19, 982 trường hợp trong 24 giờ qua. Sự lây lan của biến thể Delta với mức độ lây nhiễm cao đang khiến số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này tăng vọt. Bất chấp việc siết chặt các biện pháp phòng dịch, dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng nguy hiểm và phức tạp tại Indonesia. Chỉ mới 1 tháng trước, số ca nhiễm mới hàng ngày ở quốc gia này ở mức dưới 10.000 ca/ngày, hiện con số này tăng gấp 6 lần.

Đáng báo động hơn là Indonesia có ca nhiễm hàng ngày nhiều hơn dù dân số chỉ bằng 1/5 dân số Ấn Độ. Hiện Indonesia có khoảng 132 ca nhiễm/1 triệu người, còn Ấn Độ là 26 ca/1 triệu người. Các nhà dịch tễ học cho rằng, con số thực tế ở Indonesia cao hơn đáng kể so với báo cáo chính thức do việc xét nghiệm ở quốc gia Đông Nam Á này còn hạn chế.

Gần 92% ca mắc COVID-19 tại thủ đô Jakarta, Indonesia chưa được phát hiện. Đây là kết quả một cuộc khảo sát huyết thanh do các nhà nghiên cứu Indonesia tiến hành từ ngày 15 - 31/3 vừa qua. Kết quả này cho thấy, số ca COVID-19 trong cộng đồng trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với con số thống kê chính thức.

Một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực không thiết yếu tại Indonesia đã phớt lờ lệnh tình trạng khẩn cấp của Chính phủ nước này khi tiếp tục cho nhân viên đến văn phòng làm việc. Trong khi đó, một số doanh nghiệp thiết yếu vi phạm lệnh hạn chế làm việc tại văn phòng không quá 50% nhân viên. Đây là kết quả chuyến thị sát tuần qua của Thống đốc Jakarta. Như vậy, các chủ doanh nghiệp, người quản lý của các văn phòng vi phạm quy định sẽ bị xử phạt hành chính.

Chính quyền Jakarta đã tăng cường thiết lập các chốt chặn ra vào thành phố nhằm hạn chế đi lại trong cộng đồng. Theo đó, các nhân viên trong lĩnh vực thiết yếu và quan trọng mới được phép đi qua các khu vực chốt chặn.

Một loạt quốc gia đã đình chỉ các chuyến bay từ Indonesia và ra lệnh cấm nhập cảnh với các du khách đến từ nước này do số ca nhiễm mới COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này đang tăng mạnh. Hiện đã có 9 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ra lệnh đình chỉ các chuyến bay và cấm du khách từ Indonesia nhập cảnh Ngoài ra, các nước châu Âu, đặc biệt là các nước có thị thực Schengen đã đưa ra lệnh cấm nhập cảnh không chỉ với công dân Indonesia mà với tất cả du khách có lịch sử đi qua Indonesia.

Hiện Indonesia đang là nước đứng đầu thế giới về số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày và là nước có số ca mắc và tử vong cao nhất ở khu vực Đông Nam Á với trên 2,7 triệu ca mắc và gần 70.200 trường hợp không qua khỏi.

Tại Campuchia, trong 24 giờ qua đã có 39 người tử vong. Đây là con số tử vong cao nhất tại Campuchia kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. Cũng trong 24 giờ qua Campuchia ghi nhận thêm gần 1.000 trường hợp mắc mới. Tại Phnom Penh, mỗi ngày có từ 200 đến 300 ca nhiễm mới. Do hầu hết người dân thủ đô Phnom Penh đều đã được tiêm vaccine nên tỉ lệ tử vong chủ yếu tập trung ở các tỉnh.

Hiện sau khi hoàn thành tiêm vaccine tại Phnom Penh, Campuchia đang đẩy mạnh tiêm tại các địa phương, đặc biệt là những nơi đang xảy ra dịch bệnh và những đô thị đông người. Tính đến ngày 15/7, Campuchia đã tiêm được hơn 5,2 triệu người, đạt 52% dân số từ 18 tuổi trở lên phải tiêm vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Theo thống kê của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng Campuchia, mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành của Campuchia đã đạt được hơn 51%. Cụ thể, tính đến hết ngày 13/7, có hơn 5.100 người gồm công chức, lực lượng vũ trang, người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Với thêm 4 triệu liều vaccine dự kiến được giao trong tháng 8/2021, Campuchia sẽ đủ vaccine tiêm cho 10 triệu người. Bên cạnh đó, Campuchia đã đặt hàng thêm 1 triệu liều để tiêm cho trẻ em trên 12 tuổi và có thể tiêm mũi thứ 3 cho những người có kháng nguyên chống virus SARS-CoV-2 ở mức thấp. Campuchia kỳ vọng, một số trường sẽ được mở cửa đón học sinh trở lại vào tháng 9 hoặc tháng 10 tới khi Campuchia đạt mục tiêu tiêm phòng cho 10 triệu người.

Ngày 15/7, giới chức y tế Campuchia cho rằng, nước này cần hành động khẩn cấp để giảm tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 và ngăn chặn thảm kịch về kinh tế và y tế, sau khi ghi nhận số ca tử vong trong một ngày ở mức cao nhất từ trước đến nay. Trên mạng xã hội Twitter, Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Or Vandine nhấn mạnh, nước này cần thận trọng và chủ động cùng nhau hành động để thực thi những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 càng sớm càng tốt, đồng thời tránh một thảm kịch về kinh tế và y tế.

Indonesia có số ca mắc COVID-19 và tử vong/ngày cao nhất Đông Nam Á, các nước gia tăng số ca bệnh mới - Ảnh 2.

Indonesia ghi nhận số ca mắc mới và và tử vong/ngày cao nhất Đông Nam Á (Ảnh: AP)

Số ca tử vong vì COVID-19 theo ngày ở Thái Lan đang gia tăng. Bộ Y tế nước này thông báo, 98 bệnh nhân đã không qua khỏi trong ngày 15/7. Thái Lan cũng ghi nhận gần 9.200 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này lên hơn 372.200 trường hợp, trong đó hơn 3.000 bệnh nhân đã tử vong.

Thái Lan đã tiêm hơn 13 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 3,34 triệu người đã tiêm đủ liều. Giới chức Thái Lan đặt mục tiêu sớm tiêm chủng cho 70% cư dân thủ đô Bangkok, tâm điểm của làn sóng COVID-19 thứ 3, nhưng hiện mới chỉ có 43,6% được tiêm chủng.

Bộ Y tế Thái Lan cho biết, tình hình giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô nước này đang ở mức rất lo ngại, đặc biệt là đối với những bệnh nhân thuộc “nhóm màu đỏ” có triệu chứng nặng và cần máy thở. Để giải quyết vấn đề thiếu giường bệnh ở Bangkok, Bộ Y tế đã đẩy nhanh kế hoạch tăng giường cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể vừa và nặng. Bộ Y tế Thái Lan đã đẩy nhanh các biện pháp cách ly tại nhà đối với những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ để có thêm giường cho các nhóm bệnh nhân khác. Ngoài ra, Bộ này cũng có thêm nhiều bình dưỡng khí hơn.

Thái Lan ngày 15/7 đã mở cửa thêm 3 hòn đảo đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Đây là một phần trong nỗ lực của Thái Lan nhằm khôi phục ngành du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Ngày 15/7, Bộ Y tế Philippines thông báo ghi nhận thêm 5.221 ca mắc và 82 người tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 1.490.665 trường hợp và 26.314 bệnh nhân tử vong. Kể từ khi dịch bùng phát vào tháng 1/2020 đến nay, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho hơn 14,7 triệu người. Theo Bộ Y tế Philippines, đến nay nước này chưa phát hiện ca lây nhiễm biến thể Delta nào trong cộng đồng. Toàn bộ số ca mắc biến thể Delta đều được cách ly ngay sau khi về nước.

Hiện Chính phủ nước này đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp hạn chế nhập cảnh đối với Malaysia và Thái Lan trong bối cảnh hai quốc gia láng giềng Đông Nam Á đang chật vật đối phó với số ca mắc biến thể Delta gia tăng. Trước đó, Philippines đã cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Indonesia, Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Oman và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta.

Trung Quốc sẽ bắt đầu mở rộng đối tượng tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Theo đó, thanh thiếu niên từ 15 - 17 tuổi ở Trung Quốc sẽ được tiêm trong những tuần tới. Tiếp sau đó là đối tượng từ 12 - 14 tuổi. Mục tiêu là tới cuối tháng 10 sẽ tiêm hết cho các đối tượng từ 12 - 17 tuổi.

Nước này hiện đã tiêm tổng cộng 1,4 tỷ liều trên tổng cộng gần 3,5 tỷ liều vaccine COVID-19 được tiêm toàn thế giới. Vaccine Trung Quốc dùng để tiêm chủng cho toàn dân là vaccine của 2 hãng Sinovac và Sinopharm. Tổng cộng Trung Quốc đã có 40% dân số được tiêm đủ 2 mũi.

Hàng triệu người dân Trung Quốc có thể bị cấm đến những nơi công cộng như các trường học, bệnh viện và trung tâm mua sắm nếu không tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây là nội dung sắc lệnh mới sẽ được thực thi tại gần 20 tỉnh và thành phố trên toàn Trung Quốc. Trước mắt, các quy định này sẽ được áp dụng tại một số thành phố trước khi được mở rộng ra toàn quốc. Trung Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 64% dân số trước cuối năm nay và các biện pháp mới cho thấy quyết tâm của Chính phủ để thực hiện mục tiêu này.

Ngày 15/7, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản thông báo có 1.308 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày cao nhất kể từ cuối tháng 1/2021 và đây cũng là ngày thứ 2 liên tiếp, địa phương này ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới. Thông tin trên được công bố trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Nhật Bản tăng trở lại tại thời điểm chỉ còn 1 tuần trước khi khai mạc Olympic 2020 và thủ đô Tokyo đang áp đặt tình trạng khẩn cấp lần thứ 4 do dịch COVID-19. Tính trung bình trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới tại thủ đô Tokyo ở mức 882,1 ca/ngày, tăng 32,9% so với tuần trước đó.

Sau 10 tuần giảm liên tiếp, thế giới lại đang chứng kiến các ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tăng trở lại. Biến thể Delta với tốc độ lây lan rất nhanh hiện đã xuất hiện tại hơn 110 quốc gia, gây ra phần lớn các ca nhiễm mới và cản trở kế hoạch phục hồi tại nhiều nước.

Trong thông báo dịch tễ hàng tuần ngày 14/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, đã có thêm gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 55.000 ca tử vong được ghi nhận trên thế giới trong tuần qua, tăng lần lượt 10% và 3% so với tuần trước đó. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong đã tăng mạnh nhất là ở châu Phi với 50%, tiếp đến là Đông Nam Á.

Với những biến đổi khó lường của virus, thế giới vì thế cũng đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Đã có 25,8%, tương đương khoảng 1/4 dân số toàn cầu đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19. Đây là số liệu thống kê được trang Our World In Data đăng tải. Những quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao nhất hiện nay là Canada, Chile, Vương quốc Anh và Israel. Trong khi, hiện mới chỉ có 1% số người dân ở các quốc gia thu nhập thấp đã được tiêm vaccine, số liệu cho thấy độ phủ không đồng đều của việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày